TP.HCM: Đề xuất

TP.HCM: Đề xuất "siêu đề án" chỉnh trang đô thị

Xây dựng đề án để di dời gần 46.500 căn nhà trên và ven sông, kênh rạch trên địa bàn TP.HCM là đòi hỏi cấp bách từ thực tế.
14:57, 07/11/2024

Sở Xây dựng vừa đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương giao Sở Xây dựng phối hợp cùng các sở, ngành, Viện Nghiên cứu phát triển TP và các địa phương nghiên cứu, tham mưu UBND TP.HCM đề án di dời toàn bộ nhà trên và ven sông, kênh rạch trên địa bàn.

Kết quả khiêm tốn

Thực tế công tác di dời nhà ven sông, kênh, rạch tại TP.HCM gặp vô vàn khó khăn, dẫn đến kết quả không như kỳ vọng.

TS Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết qua 5 năm triển khai giai đoạn 2016-2020, kết quả giải tỏa, di dời các hộ dân sống trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị còn khá khiêm tốn. Cụ thể, chỉ bồi thường và di dời được 2.479 căn trên tổng số 20.000 căn theo kế hoạch, chiếm tỉ lệ 12,4% so với chỉ tiêu, chủ yếu tập trung ở các dự án sử dụng vốn ngân sách.

Trong khi đó, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết theo quyết định năm 2021 của UBND TP.HCM về kế hoạch tổ chức thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021-2025, thành phố đặt ra chỉ tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh, rạch. Trong đó, tập trung thực hiện 2 nhóm ưu tiên thuộc 17 dự án, gồm 3 dự án với mục tiêu kép vừa giải quyết nhu cầu thoát nước để chống ngập, vừa di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị; 14 dự án đã triển khai các bước chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, đến quý II.2023, tức là nửa chặng đường nhưng kết quả chỉ đạt 657/6.500 căn.

Lý giải kết quả khiêm tốn trên, Phòng Quản lý đô thị quận 4 cho rằng khó khăn lớn nhất đối với các dự án di dời nhà ven kênh là nguồn lực tài chính và công tác tái định cư. Thành phố cần nghiên cứu có cơ chế tái định cư để thuận lợi hơn trong công tác di dời nhà ven kênh.

Lãnh đạo UBND quận 7 cho rằng công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn như người dân không đủ điều kiện nhà ở hoặc nền tái định cư nhà nhỏ, nhân khẩu đông. Căn nhà qua nhiều thời kỳ và người đang ở không có giấy tờ, khi giải quyết tái định cư cũng không biết cấp cho ai. Trong khi đó, người dân muốn đền bù theo giá thị trường nên thực tế công tác di dời nhà trên và ven kênh rất khó khăn.

Hàng vạn ngôi nhà trên và ven sông, kênh rạch cần di dời để chỉnh trang đô thị.

Sẽ giải được bài toán khó

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trên địa bàn thành phố còn 46.453 căn nhà trên và ven sông, kênh, rạch chưa triển khai thực hiện di dời, chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Theo báo cáo từ các địa phương, nhu cầu nhà ở xã hội để phục vụ tái định cư cho người dân sống ven kênh, rạch ước tính trên 8.150 căn, chỉ chiếm 17,6% tổng số nhà ven kênh, rạch cần di dời.

Trong đó, quận Bình Thạnh báo cáo có 864/2.077 trường hợp tại dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm có nhu cầu nhà ở xã hội; quận 8 có 680/1.633 trường hợp có nhu cầu nhà ở xã hội tại dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc Kênh Đôi.

Điều này cho thấy nhu cầu nhà ở xã hội cho các dự án di dời nhà ven sông, kênh, rạch ở thành phố là khác nhau tùy địa hình, hiện trạng nhưng dao động khoảng trên dưới 40%. Tuy nhiên, do chưa có khảo sát xã hội học, một số quận, huyện chưa dự đoán chính xác được nhu cầu nhà ở xã hội phục vụ tái định cư.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu di dời toàn bộ nhà trên và ven sông, kênh, rạch, hồi đầu tháng 10.2024, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp, trong đó vấn đề được bàn thảo là áp dụng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cho hộ gia đình, cá nhân có nhà khi không có dự án đầu tư, xây dựng, cải tạo. Theo Luật Đầu tư công, đối với các dự án nhóm B và C, công tác bồi thường là một phần của dự án đầu tư xây dựng. Do đó, nếu thực hiện di dời mà không có dự án đầu tư xây dựng, UBND TP.HCM cần xin ý kiến từ các cơ quan thẩm quyền. Đồng thời, các trường hợp nhà xây dựng không có giấy tờ hợp lệ, đa phần là chiếm dụng, nhà đất không hợp pháp… sẽ không đủ điều kiện bồi thường đất ở nhưng có thể được hỗ trợ nhà ở theo Luật Đất đai 2024. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp người dân có nhà xây dựng trong phạm vi sông, kênh, rạch đều đủ điều kiện được hưởng chính sách về nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2023 (đối tượng không phải hộ gia đình nghèo, cận nghèo; người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị). Do đó, Sở Xây dựng cho rằng TP.HCM cần xây dựng đề án để thực hiện mục tiêu di dời toàn bộ nhà trên và ven sông, kênh, rạch trên địa bàn.

Theo Sở Xây dựng, đề án phải cung cấp cái nhìn tổng quan về tài chính dự kiến để triển khai thực hiện đề án (số tiền dự kiến chỉ để giải quyết cho đối tượng đủ điều kiện tái định cư, số tiền dự kiến để chuẩn bị quỹ nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội) và tổng số tiền dự kiến thu về ngân sách.

Bên cạnh kiến nghị chấp thuận chủ trương giao Sở Xây dựng chủ trì nghiên cứu, tham mưu UBND TP.HCM đề án, Sở Xây dựng kiến nghị chấp thuận giao Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để điều tra xã hội học, thống kê số liệu, đồng thời tham mưu về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân sống trên và ven kênh, rạch; chấp thuận giao UBND quận 8 làm thí điểm thực hiện các nội dung của đề án. 

TS Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM:

Vận dụng cơ chế đặc thù

Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM có một số điều khoản có thể vận dụng tạo nguồn kinh phí đầu tư dự án giải tỏa di dời nhà ven kênh, rạch. Đây là cơ hội để huy động nguồn lực đầu tư cho công tác giải tỏa, di dời, tái định cư, ổn định cuộc sống cho những hộ dân sinh sống trên và ven kênh, rạch.

TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn:

Có chính sách an sinh tốt

Xây dựng đề án để di dời gần 46.500 căn nhà trên và ven sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố mang lại ý nghĩa tốt, giúp chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường sống cho người dân. Tuy vậy, để thực hiện được điều này đòi hỏi nguồn lực lớn, quỹ đất lớn, kinh phí xây dựng nhà ở. Ngoài ra, vấn đề quan trọng khác là tạo việc làm, bảo đảm sinh kế cho những hộ dân di chuyển đến nơi ở mới. Do đó, thành phố phải có chính sách an sinh tốt để hỗ trợ người dân di dời nhà thì họ mới an tâm.

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP.HCM:

Giải pháp nhân văn

Thực tế cho thấy kết quả di dời nhà trên và ven sông, kênh, rạch còn hạn chế. Vì vậy, tôi ủng hộ và hoan nghênh đề xuất của Sở Xây dựng. Tìm giải pháp để di dời số lượng căn nhà rất lớn này là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Nhưng nếu thành phố không có giải pháp thì công tác di dời tiếp tục kéo dài. Bên cạnh nguồn lực lớn để giải quyết nhu cầu nhà ở thì vấn đề quan trọng, mang tính nhân văn đó là cuộc sống và công việc của người dân, nếu không giải quyết tốt thì hệ quả xã hội là vấn đề vô gia cư.

Thành phố cần tính toán cụ thể vấn đề đền bù, hỗ trợ tái định cư để vừa đạt mục tiêu chỉnh trang đô thị vừa bảo đảm cuộc sống hàng chục ngàn gia đình di dời khỏi nơi an cư hàng chục năm nay.

Bài viết có bổ sung ảnh đại diện minh họa (Nguồn ảnh: https://nongthonviet.com.vn/). 

https://nguoidothi.net.vn/de-xuat-sieu-de-an-chinh-trang-do-thi-46012.html

Pháp lý xây dựng

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - Người nhận diện đô thị Việt Nam đương đại

Mấy mươi năm học tập và làm việc ở nước ngoài, Tiến sĩ khoa học - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn vẫn luôn hướng về quê nhà, dành phần lớn thời gian bắt tay quy hoạch dự án lớn trong nước.

Hà Nội trong tôi!...

(KTVN 252) Một hình hài Hà Nội hiện đại, văn hóa, văn minh, giàu bản sắc trong thế kỷ XXI đang dần hiển hiện với những khát vọng phát triển lớn lao và khi ấy sông Hồng - dòng sông vĩ đại sẽ chảy trong lòng thành phố với đô thị sông Hồng, trở thành trục trung tâm phát triển kiến trúc văn hóa, cảnh quan và di sản của Thành phố ngàn năm tuổi.

Có một Hà Nội như tôi đã thấy

(KTVN 252) ...cái không gian “lõi” mà tôi sống hàng ngày và quan sát… về một Hà Nội dường như còn khá nguyên vẹn nét xưa cũ mà có nhiều cái nay đã gọi là “di sản”... Những gì diễn ra từ ngót 40 năm Đổi mới cho đến hôm nay đã mang lại một diện mạo ngày càng mới mà quy mô và tính đa dạng của nó khiến khó dùng ký ức của một người mà mô tả được. Trong ký ức của thế hệ chúng tôi không thể quên các công trình xây dựng được đánh dấu như những cái mốc cho sự phát triển ngày càng tăng tốc ấy. Những chính sách đặc thù cũng như Luật Thủ đô được Quốc hội mới thông qua cho phép chúng ta hy vọng vào một Hà Nội “ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”…

Kiến trúc Pháp tại Hà Nội - Bảo tồn và phát triển

(KTVN 252) Trong suốt nửa thế kỷ quy hoạch, kiến thiết và xây dựng không gian đô thị Hà Nội, các nhà quy hoạch và KTS người Pháp phục vụ trong bộ máy chính quyền thực dân đã tạo dựng cho thành phố này một diện mạo kiến trúc rất riêng biệt, thậm chí là độc nhất vô nhị khi so sánh với thủ đô của các quốc gia Đông Á khác. 

Cải tạo chung cư cũ trong tái thiết đô thị Hà Nội

(KTVN 252) - Trong giai đoạn 1954-1986, mô hình xây dựng nhà ở dưới hình thức cư trú tập thể, hay còn được gọi là nhà tập thể, đã đóng góp, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước khi giải quyết được nhu cầu nhà ở cho đông đảo người dân Hà Nội. Đến nay, qua nhiều thập kỷ, hầu hết các nhà tập thể và khu nhà tập thể này, mà nay được gọi chung là chung cư cũ, đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý, vận hành và khai thác sử dụng.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi