Hội nghị bàn tròn Bộ trưởng xây dựng ASEAN - Trung Quốc
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực xây dựng, phát triển đô thị và nông thôn từ các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc, qua đó, góp phần thực hiện thành công Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của Liên Hợp quốc cũng như đưa sáng kiến “Vành đai và con đường” ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả.
Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc phát triển đô thị gắn liền với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đô thị hóa và phát triển đô thị là động lực quan trọng giúp Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa tăng nhanh ở khu vực các đô thị lớn, lan tỏa và phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước. Nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp, được phát triển mở rộng về qui mô đất đai, dân số, đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kĩ thuật và xã hội. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều hạn chế: tốc độ phát triển nhanh song lại thiếu chiến lược tổng thể và bền vững; kết cấu hạ tầng đô thị chưa đồng bộ với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường; lãng phí tài nguyên thiên nhiên; năng lực quản lý còn hạn chế.
Bên cạnh đó, Việt Nam thuộc nhóm 10 nước hàng đầu chịu nhiều thiên tai, biến đổi khí hậu trên thế giới. Bão, lũ lụt và nước biển dâng đang tác động xấu đến phát triển hệ thống đô thị ven biển và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Biến đổi khí hậu gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất tác động đến phát triển hệ thống đô thị miền núi và khu vực Tây Nguyên.
Từ thực tế trên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã nêu lên những quan điểm và định hướng phát triển đô thị bền vững, xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, lấy con người làm trọng tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Ông khẳng định, Việt Nam xác định đây sẽ là một quá trình đầy khó khăn, thách thức như việc hoàn thiện thể chế, khắc phục những hạn chế trong quá trình đô thị hóa; và những thách thức về thiếu hụt nguồn tài chính, công nghệ và năng lực trong quản lý, phát triển đô thị - nông thôn hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững nói chung và mục tiêu số 11 Chương trình nghị sự 2030 nói riêng.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong 30 năm qua, quan hệ ASEAN-Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực. Các nước ASEAN coi trọng và dành ưu tiên cao cho hợp tác với Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với ASEAN và nâng tầm lên Đối tác chiến lược toàn diện. Các thành viên ASEAN và Trung Quốc đang cùng chia sẻ nhiều lợi ích, trách nhiệm chung to lớn cũng như các vấn đề liên quan đến xây dựng nhà ở, quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị, nông thôn.
Tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị mong muốn tìm hiểu kinh nghiệm của các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc về đổi mới công nghệ trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là công tác chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhằm nâng cao chất lượng công trình kiến trúc; về tầm nhìn và kinh nghiệm trong tích hợp phát triển nhằm xây dựng hệ thống đô thị và nông thôn một cách toàn diện, bền vững, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng tin tưởng rằng, kết quả hội nghị này cùng với tuyên bố “Đồng thuận Nam Ninh” sẽ góp phần quan trọng, thiết thực trong thúc đẩy hợp tác toàn diện ASEAN và Trung Quốc nói chung, hợp tác ASEAN và Trung Quốc trong lĩnh vực xây dựng nói riêng lên một tầm cao mới mạnh mẽ hơn, thực chất hơn.
Qua đó, mở rộng mối quan hệ hợp tác cùng có lợi, cùng chiến thắng, hướng đến sự phát triển bền vững đô thị và nông thôn của các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần đảm bảo môi trường hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Trong chương trình công tác tại Quảng Tây, Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã có buổi làm việc riêng với Bộ trưởng Bộ Nhà ở và Xây dựng Đô thị Nông thôn Trung Quốc Ni Hồng và Phó Chủ tịch tập đoàn xây dựng giao thông Trung Quốc Trần Trọng. Chứng kiến lễ ký kết MOU giữa Tập đoàn Xi măng Việt Nam và Công ty cầu đường số 1 Trung Quốc (CFCEC) và giữa Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) với Tập đoàn SINOMA Thiên Tân, Trung Quốc.
Nguồn: vov.vn
Theo VOV.vn
Ý kiến của bạn