9 giải pháp tăng nguồn cung nhà ở xã hội
Thứ nhất, đề nghị tháo gỡ ngay thủ tục về “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” đối với tất cả dự án nhà ở xã hội và cả dự án nhà ở thương mại trong phạm vi cả nước.
Hiệp hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 7 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP như sau: “c) Đối với quy hoạch đô thị, nội dung thẩm định phải có đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung. Trường hợp quy hoạch chi tiết chưa phù hợp quy hoạch chung và quy hoạch phân khu thì cho phép thực hiện việc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu và chỉ tiêu về hệ số sử dụng đất hoặc mật độ xây dựng theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phải được phê duyệt hoặc phê duyệt điều chỉnh theo quy định của pháp luật trước khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và triển khai các bước tiếp theo của dự án”.
Thứ hai, trên cơ sở sửa đổi bổ sung điểm c khoản 7 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP và khoản 3 Điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP (nêu trên), Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc các địa phương thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án nhà ở xã hội (và cả dự án nhà ở thương mại) đã có “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư”.
Vận dụng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 6 Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội quy định “Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phải được phê duyệt hoặc phê duyệt điều chỉnh theo quy định của pháp luật trước khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và triển khai các bước tiếp theo của dự án.
Thứ ba, về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, Hiệp hội đề nghị các địa phương triển khai “đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất” đối với dự án nhà ở xã hội theo quy định của Luật Đấu thầu 2023, để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực và khai thác sử dụng hiệu quả “quỹ đất công (đất sạch)” đã được quy hoạch để phát triển nhà ở xã hội, khắc phục tình trạng “lãng phí” nguồn lực đất đai như đã xảy ra trước đây.
Thứ tư, về nguồn vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn chi ngân sách nhà nước trung hạn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, để bố trí “tái cấp vốn” cho Ngân hàng chính sách xã hội hoặc “cấp bù lãi suất” cho 4 ngân hàng thương mại (Vietinbank, Vietcombank, Agribank, BIDV) được Ngân hàng Nhà nước chỉ định thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội.
Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục khôi phục lại đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng, lãi suất 4,8-5%, thời hạn vay tối đa 25 năm mà Bộ Xây dựng đã đề xuất ngày 17/02/2023 để thực hiện Luật Nhà ở 2023 về chính sách nhà ở xã hội đối với chủ đầu tư dự án và người mua, thuê mua nhà ở xã hội, để thực hiện Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.
Thứ năm, Hiệp hội đề nghị bổ sung hoặc tăng thêm chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để khuyến khích và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án nhà ở xã hội.
Đề nghị quy định xem xét tăng thêm “lợi nhuận định mức” đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lên mức 15% thay vì chỉ 10%. Cho phép chủ đầu tư thế chấp chính dự án để vay vốn ưu đãi.
Về thuế, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng thống nhất với Bộ Tài chính đề nghị bổ sung các Luật Thuế quy định “giảm 70% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp” đối với dự án “nhà ở xã hội cho thuê” như đã quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, để khuyến khích phát triển nhiều dự án nhà ở xã hội cho thuê.
Thứ sáu, đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét bổ sung “quy định chuyển tiếp” trong dự thảo Nghị định về quản lý, phát triển nhà ở xã hội để xử lý “bất cập” về quy định dành diện tích đất xây nhà ở xã hội trong dự án thương mại theo nguyên tắc được “hồi tố" đối với các quy định pháp luật “có lợi” cho các đối tượng bị tác động theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ bảy, Bộ Xây dựng xem xét đề xuất Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung đối tượng “chủ nhà trọ” được hưởng “chính sách hỗ trợ về nhà ở khi tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở” phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, bởi lẽ đối tượng này đã góp phần rất quan trọng trong việc giải quyết chỗ ở ngày càng có chất lượng tốt hơn cho công nhân, lao động, người nhập cư.
Thứ tám, Bộ Xây dựng xem xét sửa đổi Quyết định số 510/QĐ-BXD ngày 19/05/2023 “công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2022” đối với “suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà ở xã hội” theo hướng bảo đảm tương đương với “suất vốn đầu tư xây dựng công trình” nhà ở thương mại, bởi lẽ “suất vốn đầu tư xây dựng công trình” nhà ở xã hội theo Quyết định 510/QĐ-BXD chỉ bằng 76% “suất vốn đầu tư xây dựng công trình” nhà ở thương mại cùng loại là chưa hợp lý, chưa đảm bảo thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng công trình nhà ở xã hội để người dân yên tâm, tin tưởng vào chính sách nhà ở xã hội của Nhà nước.
Thứ chín, đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan có thẩm quyền để “nghiên cứu ban hành chính sách tín dụng cho vay sửa chữa, xây dựng mới nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn khu vực nông thôn” để thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ và hướng dẫn, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thành công chỉ tiêu kế hoạch phát triển nhà ở xã hội năm 2024 của địa phương.
Ý kiến của bạn