“Xanh hóa” ngành khai khoáng tạo đà phát triển bền vững
Xu hướng phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn
Khai thác khoáng sản là một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế toàn cầu, nhờ vậy giúp cung cấp nguyên liệu thô thúc đẩy xã hội hiện đại của chúng ta. Tuy nhiên, các hoạt động truyền thống có thể gây tác động xấu đến môi trường, làm cạn kiệt nguồn nước, phá hủy môi trường sống và góp phần gây ra biến đổi khí hậu.
Với nhu cầu ngày càng tăng về khoáng sản và tài nguyên, ngành công nghiệp này đang tìm cách giảm lượng khí thải carbon và giảm thiểu thiệt hại cho hành tinh. Điều này đã làm nảy sinh các giải pháp xanh trong khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, nhằm mục đích khai thác khoáng sản và tài nguyên theo cách bền vững và có trách nhiệm với môi trường.
Để giải quyết những lo ngại này, nhiều quy định, chính sách đã được Chính phủ ban hành nhằm giúp “xanh hóa” ngành khai khoáng.
Trong đó, quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được coi là cột mốc quan trọng trong việc mở ra không gian phát triển mới cho ngành khai khoáng Việt Nam hiệu quả và bền vững hơn, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Quy hoạch được lập cho tất cả các nhóm, loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ). Ranh giới quy hoạch là khu vực phân bố khoáng sản và chế biến khoáng sản trên diện tích đất liền của cả nước.
Tại hội nghị công bố “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” diễn ra vào ngày 12/1/2024, tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Quy hoạch được xây dựng nhằm mục tiêu: phát triển bền vững hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng, tương xứng với tiềm năng khoáng sản, đáp ứng tối đa nhu cầu nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng cho nền kinh tế, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, cảnh quan; hình thành ngành khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng tập trung, đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, phù hợp với xu thế của thế giới.
Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2030, phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng trở thành ngành công nghiệp hiện đại, áp dụng triệt để các giải pháp công nghệ thông tin, công nghệ định vị vào quản lý và sản xuất; hạn chế các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới thiết bị khai thác, chế biến tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và lợi thế cạnh tranh.
Giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050, phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng thành ngành kinh tế mạnh, đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước; áp dụng triệt để công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi toàn diện công nghệ, thiết bị các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản tiên tiến, hiện đại theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tương đương với các nước tiên tiến khu vực Châu Á; chấm dứt các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường, ưu tiên phát triển vật liệu xanh, vật liệu mới thân thiện với môi trường.
Chú trọng yếu tố bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên
Được biết, ngay khi xây dựng dự thảo Quy hoạch, Bộ Xây dựng đã nhận được ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc Quy hoạch cần bổ sung, làm rõ quan điểm khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đa mục đích tài nguyên theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khi đánh giá trữ lượng, cấp phép khai thác phải kèm theo giải pháp công nghệ, giải pháp môi trường, không để lãng phí; không nên khuyến khích việc khai thác, sử dụng khoáng sản làm phá vỡ cảnh quan, môi trường.
Ngoài ra, tài nguyên khoáng sản phải được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon.
Không chỉ trong dự thảo Quy hoạch này, Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó cũng nêu rõ quan điểm và mục tiêu chú trọng bảo vệ môi trường, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh việc nhấn mạnh về các yếu tố về bảo vệ môi trường và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên trong quan điểm và mục tiêu, Quy hoạch cho biết việc phát triển lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản cần phải gắn với ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Theo đó, một trong những mục tiêu của Quy hoạch là phát triển lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản gắn với ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại và quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia...
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon. Đẩy mạnh đầu tư, hình thành ngành khai thác, chế biến đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại phù hợp với xu thế của thế giới.
Đối với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng (bô-xít, titan, đất hiếm, crômit, niken, đồng, vàng), các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực và phải đầu tư các dự án chế biến phù hợp sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường bền vững.
Hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác các mỏ trữ lượng thấp, phân tán, nhỏ lẻ, tập trung tài nguyên khoáng sản từ các mỏ/điểm mỏ quy mô nhỏ thành các cụm mỏ quy mô đủ lớn để đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại.
Ý kiến của bạn