Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong thực hiện kiến nghị kiểm toán

(Vietnamarchi) - Những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhiều kiến nghị kiểm toán đã được thực hiện, song trên thực tế, còn nhiều “điểm nghẽn” trong quá trình thực hiện cần được tập trung tháo gỡ. Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, KTNN sẽ tiếp tục quyết liệt, nỗ lực hơn nữa trong đôn đốc, theo dõi thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán…
09:47, 27/03/2024
Năm 2023, Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN. Ảnh: Quochoi.vn

Còn không ít kiến nghị kiểm toán bị “treo”

Việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán là một trong những thước đo quan trọng đánh giá hiệu quả, hiệu lực của hoạt động KTNN. Báo cáo kiểm toán chỉ có giá trị khi kiến nghị kiểm toán được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời.

Đặc biệt, kết luận, kiến nghị kiểm toán ngày càng trở thành thông tin quan trọng, độc lập, phục vụ Quốc hội trong giám sát tối cao cũng như trong xem xét phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN), quyết định dự toán NSNN; giúp HĐND các cấp thực hiện giám sát và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương…

Xác định rõ điều này, trong những năm qua, KTNN đã triển khai thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Hằng năm, cùng với việc tổ chức thực hiện tốt kế hoạch kiểm toán, KTNN còn lồng ghép nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán...

Từ góc độ đơn vị được kiểm toán, các Bộ, ngành, địa phương cũng ý thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Nhiều Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán và các cơ quan quản lý đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc đôn đốc và triển khai thực hiện kiến nghị của KTNN; thông qua đó để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhờ đó, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán không ngừng được nâng cao, với tỷ lệ thực hiện năm sau cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, trong thực tế còn không ít những kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, nhiều kiến nghị kiểm toán đã tồn đọng trong thời gian dài.

Theo số liệu thống kê, rà soát của KTNN, phần lớn các kết luận, kiến nghị kiểm toán đã được các đơn vị nỗ lực, nghiêm túc thực hiện (bình quân khoảng 75 - 80% cho năm liền kề năm kiểm toán) và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo đối với số kiến nghị còn lại mỗi năm với tỷ lệ khoảng 15- 20%. Tuy nhiên, còn không ít kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, trong đó, các kết luận, kiến nghị của KTNN đối với niên độ NSNN năm 2021, năm 2020 và năm 2019 trở về trước chưa thực hiện, đang được KTNN theo dõi, đôn đốc.

Nếu không được quan tâm, xử lý quyết liệt thì hàng nghìn tỷ đồng kiến nghị xử lý tài chính về tăng thu, giảm chi, thu hồi nộp NSNN sẽ không được thực hiện đầy đủ, kịp thời và có nguy cơ gây thất thoát, lãng phí.

Theo các chuyên gia, việc không thực hiện hoặc chậm thực hiện, thực hiện không đúng đủ kiến nghị kiểm toán một mặt khiến cho các đơn vị được kiểm toán không thể thu hồi tiền sử dụng sai mục đích về cho ngân sách nhà nước, mặt khác bản thân đơn vị, các cá nhân, tập thể có liên quan phải chịu trách nhiệm trước cấp trên, thậm chí là trước pháp luật. 

Gỡ “vướng” từ cơ chế…

Tại Phiên giải trình của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về “Việc thực hiện các kết luận và kiến nghị KTNN đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021” vào tháng 9/2023, các ý kiến nêu rõ nguyên nhân chính dẫn tới việc chậm trễ, không thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN thời gian qua là do “vướng” về cơ chế, chính sách. Vì vậy, các ý kiến đồng thuận rằng, để thúc đẩy việc thực thi đầy đủ, kịp thời hơn các kết luận, kiến nghị kiểm toán, cần phải bắt đầu từ việc tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách.

Đơn cử, qua kiểm toán, KTNN đã đưa ra kiến nghị liên quan đến việc cho thuê tài sản đơn vị sự nghiệp không đúng quy định; công tác quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước không sử dụng mục đích để ở còn bất cập…

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, hiện nay việc áp dụng các quy định chung về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp vào trường hợp cụ thể của tổ chức quản lý, kinh doanh nhà còn nhiều điều chưa phù hợp. Để có cơ sở tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng ngân sách cũng như thực hiện kiến nghị kiểm toán, TP. Hà Nội kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về quản lý, sử dụng, khai thác đối với quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước không phải nhà ở; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 151/2017/NĐ-CP trong đó có quy định về sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết…

Tại Phiên giải trình, nhiều ý kiến đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách, KTNN báo cáo cấp có thẩm quyền có giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các kiến nghị kiểm toán do nguyên nhân khách quan như: doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động, các kiến nghị từ nhiều năm trước chưa thể thực hiện do thay đổi cơ chế, chính sách…

Nâng “tầm” kiến nghị kiểm toán

Xác định phần lớn kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện thuộc về trách nhiệm của các đơn vị kiểm toán, cũng như vướng mắc do cơ chế…, song cả KTNN và Ủy ban Tài chính, Ngân sách, các đại biểu Quốc hội, đơn vị được kiểm toán cũng cho rằng, để việc thực hiện kiến nghị đạt kết quả cao cần có giải pháp đồng bộ từ nhiều phía, song trước tiên, kết luận, kiến nghị kiểm toán phải đảm bảo tính chính xác, thuyết phục.

Chia sẻ vấn đề này, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, thời gian qua, theo quy định của Luật KTNN, KTNN đã rất nỗ lực, cố gắng trong theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng thẳng thắn nhìn nhận, dù Ngành đã nỗ lực song kết quả đạt được chưa như mong đợi. Trong thời gian tới, KTNN sẽ cố gắng khắc phục các bất cập, hạn chế để thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm của mình trong đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán; quyết tâm nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, đảm bảo các kiến nghị kiểm toán đưa ra rõ ràng, đúng người, đúng việc, từ đó nâng cao tỷ lệ thực hiện kiến nghị.

Cùng với đó, KTNN sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, yêu cầu thực hiện đầy đủ các quy trình, chuẩn mực, các hướng dẫn của ngành, thực hiện đầy đủ các quy định của đoàn kiểm toán; …

KTNN cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; thường xuyên phối hợp, trao đổi với đơn vị kiểm toán, nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận để đưa ra kết luận, kiến nghị rõ ràng, khả thi; đồng hành với các đơn vị, địa phương tháo gỡ ngay các vướng mắc, bất cập trong thực hiện kiến nghị kiểm toán…

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị KTNN cần tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động kiểm toán; công khai kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán; như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã từng nhấn mạnh: Công khai, minh bạch là “vũ khí” hiệu quả nhất của hoạt động kiểm toán.

Phát huy vai trò người đứng đầu

Từ những cách làm như trên đã cho thấy mọi giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao kết quả thực hiện kiến nghị đều bắt nguồn từ yếu tố con người, trong đó, người đứng đầu đóng vai trò then chốt. Do đó, để thực sự tạo chuyển biến trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhiều ý kiến nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, “kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, ở những cơ quan, đơn vị nào, cấp ủy và người đứng đầu quan tâm đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán thì ở nơi đó kết quả thực hiện rất cao. Trên thực tế, có những địa phương ngay trong năm liền kề đã thực hiện 100% các kiến nghị kiểm toán”./.

 

Pháp lý xây dựng

Sinh nhật Vincom 20 - Đại tiệc đẳng cấp đánh dấu hành trình vượt thời gian

Hàng trăm nghìn khán giả đã đổ về Thành phố lễ hội - Ocean City, bùng nổ cảm xúc với Đại nhạc hội “Đến Vincom - Chào tôi mới”. Sự kiện khép lại chuỗi hoạt động mừng sinh nhật tuổi 20 cũng là 20 năm phát triển rực rỡ của Vincom, kéo từ ngày 23/10 - 23/11/2024.

Đầu tư phát triển Gen AI “thuần Việt” tạo động lực cho nền kinh tế số

Công nghệ AI tạo sinh “thuần Việt" đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các tổ chức và doanh nghiệp, mang tới cơ hội bứt phá cho nhiều lĩnh vực.

VinFast đẩy mạnh phát triển mạng lưới xưởng dịch vụ và nâng cấp chất lượng hậu mãi

Nhằm đáp ứng nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng ngày càng gia tăng và nâng cao hơn nữa sự hài lòng của khách hàng, VinFast đang tập trung thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển mạng lưới xưởng dịch vụ, đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ năng cho đội ngũ kỹ thuật viên và thực thi các chính sách hậu mãi cực tốt cho khách hàng.

Công ty Ngân Lực thuê 200 ô tô điện VinFast, mở rộng mạng lưới trạm sạc V-Green

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Ngân Lực (NIAD) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về thúc đẩy chuyển đổi xanh với VinFast, FGF và V-Green. Theo đó, Ngân Lực dự kiến sẽ thuê 200 ô tô điện VinFast VF 8 và VF 9 từ FGF để cung cấp dịch vụ vận chuyển cho các doanh nghiệp đối tác, đồng thời phối hợp mở mới trạm sạc V-Green tại các trụ sở, văn phòng thuộc quyền quản lý của công ty.

VinFast trở thành hãng xe bán chạy nhất thị trường Việt Nam

VinFast công bố đã bàn giao hơn 9.300 xe cho khách hàng trong tháng 9, cao gần gấp rưỡi so với hãng xe xếp thứ hai và vươn lên thành vị trí số 1 Việt Nam trong tháng 9.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi