Sự khác biệt của kiến trúc hiện đại Việt Nam so với kiến trúc hiện đại toàn cầu thời kỳ hậu thuộc địa
Dựa trên các bài đánh giá về triển lãm hiện tại “Chủ nghĩa Hiện đại Nhiệt đới: Kiến trúc và Độc lập” tại Bảo tàng Victoria và Albert, London tập trung vào việc các kiến trúc sư người Anh Maxwell Fry và Jane Drew đã phát triển kiến trúc hiện đại nhiệt đới ở London vào đầu những năm 1940 và sau đó áp dụng ở Tây Phi (Ghana) sau năm 1945. Sau đó, các kiến trúc sư bản địa đã phát triển kiến trúc này hơn nữa sau khi đất nước họ giành được độc lập khỏi chủ nghĩa thực dân. Fry và Drew tiếp tục lập kế hoạch cho thủ đô Chandigarh ở Ấn Độ vào đầu những năm 1950 và mời Le Corbusier tham gia cùng họ để thiết kế các cơ sở chính. Điều này tương tự như kiến trúc Liên Xô ở Đông Âu - nơi các kiến trúc sư Nga phát triển kiến trúc hiện đại theo chủ nghĩa kiến tạo với các kiến trúc sư địa phương. Cùng lúc đó, các kiến trúc sư Việt Nam đang phát triển phiên bản kiến trúc hiện đại hậu thuộc địa riêng, từ khi giành được độc lập vào năm 1954, sau đó là quá trình làm việc với các kiến trúc sư Liên Xô từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Bài viết chỉ ra những điểm khác biệt của người Việt và khẳng định Kiến trúc hiện đại Việt Nam từ giữa thế kỷ XX có những giá trị to lớn đối với nền văn hóa, do đó cần được giữ gìn và bảo trì tốt.
Triển lãm Chủ nghĩa Hiện đại Nhiệt đới
Một cuộc triển lãm đang mở cửa đón công chúng trong tháng 9/2024 tại Bảo tàng Victoria & Albert ở London đã thu hút sự chú ý của các kiến trúc sư và nhà sử học trên thế giới. Với tiêu đề “Chủ nghĩa Hiện đại Nhiệt đới: Kiến trúc và Độc lập”, triển lãm này tập trung phản ánh kiến trúc hiện đại thời kỳ thuộc địa và hậu thuộc địa ở một số quốc gia từng là thuộc địa của nước Anh, cụ thể là Ghana ở Châu Phi và Ấn Độ ở Châu Á. Đã có một số đánh giá của các nhà phê bình kiến trúc và xã hội mang lại cảm nhận tốt về những tuyên bố và các giá trị của triển lãm này.
Vì cuộc triển lãm diễn ra ở Vương quốc Anh, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi triển lãm khẳng định rằng các kiến trúc sư người Anh đã tinh chỉnh kiến trúc hiện đại quốc tế vào những năm 1930 theo một cách thức độc đáo và sau đó xuất khẩu trường phái này sang các thuộc địa của nước Anh dưới dạng kiến trúc nhiệt đới sau năm 1944, chủ yếu thông qua nỗ lực của các kiến trúc sư người Anh như Jane Drew và Maxwell Fry (Turner, 2024). Họ được chính phủ Anh giao nhiệm vụ thiết kế và giám sát việc xây dựng các công trình công cộng ở Bờ Biển Vàng của Châu Phi (nơi đã trở thành quốc gia độc lập năm 1957 dưới tên gọi Ghana). Triển lãm cho thấy cách thức mà Drew và Fry áp dụng các nguyên tắc chung của kiến trúc hiện đại và phát triển tính thích ứng với khí hậu nhiệt đới của các xứ thuộc địa (LaBarge, 2024). Triển lãm gọi trào lưu này của Fry và Drew là “cuộc cách mạng trong kiến trúc” (Turner, 2024).
Những tư duy mới mẻ này, bao gồm việc xác định vị trí các tòa nhà trong mối liên hệ với nắng và gió, sử dụng mái đua rộng hoặc mái hiên sàn để che nắng và tránh mưa hắt, cửa chớp và sử dụng các khối thông gió và cấu trúc có thể chỉnh ánh sáng theo một số dạng hoa văn.
Fry và Drew đã định hình bối cảnh và nền văn hóa mà họ nhận thấy là đồng nhất ở khu vực quanh đường xích đạo châu Phi, bỏ qua những khác biệt về văn hóa - thứ họ chưa từng thấy kể từ khi sống trong các khu dân cư thời thuộc địa (LaBarge, 2024). Điều này không ngạc nhiên, vì cũng giống như chủ nghĩa hiện đại bỏ qua việc trang trí do nó được quan niệm không cần phải thể hiện ý nghĩa. Kiến trúc theo chủ nghĩa hiện đại nhiệt đới do các kiến trúc sư người Anh phát triển đã bỏ qua các ý nghĩa văn hóa, vì chủ nghĩa hiện đại vốn nhằm mục đích mang tính quốc tế trong phạm vi nhất định. Tuy nhiên, cuộc triển lãm đã đưa ra bằng chứng cho thấy nghệ thuật châu Phi đã bị các nghệ sĩ châu Âu chiếm dụng không thỏa đáng khi Drew và Fry đã sử dụng những họa tiết này trên các bức tường gạch hoa ở Ghana (Turner, 2024).
Vì quá trình phi thực dân hóa diễn ra sau Thế chiến thứ Hai và các thuộc địa giành được độc lập, thế hệ lãnh đạo mới với ý chí mạnh mẽ như Kwame Nkrumah tại Ghana và Jawaharlal Nehru tại Ấn Độ nhận thức rằng: kiến trúc hiện đại mới theo kiểu chân phương dễ thực hiện có thể giúp họ truyền đạt tư tưởng độc lập và trật tự xã hội mới tới đồng bào của họ. (Moore, 2024). Cả hai nhà lãnh đạo ở các xứ thuộc địa cũ này đều yêu cầu bổ sung các kiến trúc sư bản địa vào đội ngũ kiến trúc sư nước ngoài. Người phụ trách triển lãm, Christopher Turner, nhận thấy rằng Nehru đặc biệt thể hiện rõ kỳ vọng của ông rằng các kiến trúc sư bản địa người Ấn Độ sẽ phát triển một nền kiến trúc theo chủ nghĩa hiện đại phản ánh bản sắc của một nước Ấn Độ mới giành được độc lập (Buxton, 2024).
Sinh viên bản xứ từ các thuộc địa đã theo học tại các trường kiến trúc tại Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, rồi sau đó là các trường kiến trúc mới mở ở các nước thời hậu thuộc địa. Khi cuộc đấu tranh giành độc lập tiếp tục diễn ra, những kiến trúc sư trẻ tuổi đó phát triển kiến trúc nhiệt đới và mở rộng lĩnh vực này với các họa tiết và thực tiễn hành nghề tại địa phương. dẫn đến ý thức về bản sắc cho các dân tộc mới giành được độc lập (Heathcote, 2024).
Triển lãm cũng lưu ý rằng các kiến trúc sư Ba Lan đã thiết kế Trung tâm Thương mại Quốc tế ở Accra, Ghana, và các kiến trúc sư Đông Âu khác đã thiết kế những công trình kiến trúc theo chủ nghĩa hiện đại giàu trí tưởng tượng ở các quốc gia châu Phi mới độc lập khác (Heathcote, 2024). Cùng lúc đó, các kiến trúc sư người Ghana John Owusu Addo và Victor Adegbite đã vượt qua các kiến trúc sư nước ngoài để phát triển kiến trúc theo chủ nghĩa hiện đại mang phong cách bản địa Ghana (LaBarge, 2024).
Năm 1951, Jawaharlal Nehru, Thủ tướng đầu tiên của nước Ấn Độ độc lập, đã yêu cầu Jane Drew và Maxwell Fry phát triển một quy hoạch tổng thể cho khu phức hợp thủ đô mới tại hai tiểu bang ở Chandigarh. Jane Drew đã thuyết phục Nehru cho phép bà đưa kiến trúc sư người Pháp gốc Thụy Sĩ Le Corbusier tham gia vào dự án. Le Corbusier đã sửa đổi bản quy hoạch tổng thể này và thiết kế các tòa nhà chính phủ, trong khi Drew và Fry thiết kế một số loại hình nhà ở theo phong cách hiện đại. Nehru nhấn mạnh rằng các kiến trúc sư người Ấn Độ nên tham gia nhóm và B.V. Doshi, người đã được trao Giải thưởng Pritzker năm 2018, đã có những đóng góp đáng kể cho dự án, cùng với Aditya Prakash, người sau này tiếp tục lãnh đạo trường kiến trúc ở Chandigarh (Moore, 2024). Triển lãm cũng ghi lại cuộc đấu tranh giữa 'những người theo chủ nghĩa hiện đại' và 'những người theo chủ nghĩa truyền thống' trong vấn đề muốn đưa các họa tiết truyền thống của Ấn Độ vào thiết kế (Turner, 2024).
Sự khác biệt của Việt Nam
Nhận xét của tác giả ở đây chủ yếu liên quan đến miền Nam Việt Nam. Phần lớn nội dung thảo luận này bắt nguồn từ cuốn sách của chính tác giả có tiêu đề “Kiến trúc Hiện đại miền Nam Việt Nam: Chủ nghĩa Hiện đại Bản địa giữa thế kỷ XX” do Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành năm 2020.
Trải nghiệm của người Việt Nam về cuộc sống thời kỳ hậu thuộc địa và chủ nghĩa hiện đại sau khi giành được độc lập về cơ bản khác biệt với sự phát triển của chủ nghĩa hiện đại ở các thuộc địa của Anh như đã được giải thích trong cuộc triển lãm nêu ở phần đầu bài viết. Bài học chính cho bản thân tác giả trong cuộc triển lãm ở Anh là phương pháp của Vương quốc Anh trong việc hợp tác với các thuộc địa của nó bằng cách xuất khẩu kiến trúc và ngân sách của nước Anh để xây dựng những cơ sở tiện ích mang tính cộng đồng, với hy vọng ngăn chặn nhu cầu đòi độc lập ngày càng tăng của các nước thuộc địa này.
Khác nước Anh, chính quyền thuộc địa Pháp đã cung cấp một số kinh phí và thiết kế cho các dự án mang tính địa phương ở Việt Nam, nhưng không ở mức độ tài trợ của Anh và không mang tính quyết định như chương trình của người Anh. Các kiến trúc sư Pháp thuộc Ban Công chính như Leo Craste đã thiết kế những cơ sở y tế và trường học như Polyclinique Déjean de la Bâtie (Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn) tại trung tâm thành phố vào năm 1938. Kiến trúc cuối thời kỳ thuộc địa Pháp là sự kết hợp giữa phong cách Art-Déco, chủ nghĩa hiện đại và trường phái cổ điển Beaux-Arts, và không thể được xếp vào chủ nghĩa Hiện đại Nhiệt đới.
Các thuộc địa của Anh không cung cấp chương trình đào tạo kiến trúc sư cho người bản xứ. Các quốc gia này chỉ thành lập những trường kiến trúc sau khi giành được độc lập. Ở Việt Nam, chính quyền thuộc địa Pháp đã tài trợ cho École Supérieure des Beaux-Arts de l'Indochine ở Hà Nội (Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) vào năm 1924 với tư cách là một trường nghệ thuật (Herbelin, 2016, 87), với khoa Kiến trúc được bổ sung vào năm 1926. Không giống như thực dân Anh bỏ qua truyền thống và nghệ thuật địa phương, mục đích của học viện do người Pháp thành lập là đào tạo sinh viên Việt Nam về kiến trúc, nghệ thuật và các ngành nghề thủ công truyền thống của riêng họ, để họ có thể phát triển một nền kiến trúc hiện đại cho Việt Nam, phản ánh bản sắc của dân tộc Việt Nam (Herbelin, 2016, 88).
Arthur Kruze được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa Kiến trúc vào năm 1930. Kruze khi ấy vừa tốt nghiệp École Nationale Supérieure des Beaux-Arts (Trường Quốc gia Mỹ thuật) ở Paris vào năm 1929. Kruze là một kiến trúc sư theo chủ nghĩa hiện đại (như đã thấy trong các bản thiết kế của ông cho những tòa nhà ở Hà Nội và Sài Gòn). Ông đã có thể học theo một số bậc thầy mới về kiến trúc hiện đại ở Châu Âu, hoặc chắc chắn biết về họ, cũng như công trình của họ. Louis Georges Pineau - đồng nghiệp của Kruze, người đã hành nghề kiến trúc sư cũng như giảng dạy thiết kế đô thị tại trường.
Kruze đã sinh sống tại Việt Nam cho đến năm 1954 và Pineau ở lại tại miền Nam cho đến giữa những năm 1960. Tuy nhiên, cả hai đều xuất thân là những nhà giáo dục nên không thể so sánh họ với những kiến trúc sư người Anh vẫn ra vào Ghana và Ấn Độ, thường xuyên chu du khắp thế giới. Nhưng sự tiếp xúc của chủ nghĩa hiện đại từ khắp nơi trên thế giới với sinh viên kiến trúc ở Việt Nam chắc chắn đã trở thành một yếu tố ảnh hưởng lớn đến quá trình trưởng thành của họ - với tư cách là kiến trúc sư, cũng như đến nền kiến trúc hiện đại nhiệt đới mà các sinh viên và những người hành nghề đã phát triển sau này.
Các kiến trúc sư người Pháp thường trú ở Việt Nam thời đó như Paul Veysseyre tiếp tục thiết kế các tòa nhà và biệt thự, đa số thường theo đuổi phong cách Art-Déco hoặc phong cách hiện đại đang thịnh hành hơn là chủ nghĩa hiện đại nhiệt đới. Chiến tranh Thế giới thứ hai đã làm gián đoạn sự phát triển tiếp theo của kiến trúc thuộc địa, Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất giữa Pháp và Việt Nam cũng đã làm chậm quá trình tiến triển của nền kiến trúc thuộc địa. Chỉ có hai kiến trúc sư người Pháp (Pineau và Pugnaire) còn ở lại sau khi Việt Nam giành lại được nền độc lập từ người Pháp vào năm 1954. Tuy nhiên, đã có đủ số lượng kiến trúc sư Việt Nam để tiếp tục phát triển chủ nghĩa Hiện đại ở Việt Nam mà không cần sự lãnh đạo hay hỗ trợ của nước ngoài.
Ngoài các kiến trúc sư người Pháp thường trú, không có kiến trúc sư nước ngoài nào khác thiết kế các công trình ở Việt Nam vào cuối thời kỳ thuộc địa và sau khi giành được độc lập. Không hề có việc du nhập trực tiếp ý tưởng kiến trúc thông qua các ví dụ mẫu nước ngoài vào Việt Nam. Trong khi đó, khi kiến trúc hiện đại phát triển ở các nước châu Á như Nhật Bản và Ấn Độ, nhiều kiến trúc sư nước ngoài như Drew, Fry và Le Corbusier đã thiết kế các tòa nhà có tầm quan trọng ở các nước đó. Không giống hầu hết các nước thuộc địa mới giành độc lập ở quanh đường xích đạo, các kiến trúc sư trẻ Việt Nam được tự mình phát triển kiến trúc theo chủ nghĩa Hiện đại Nhiệt đới.
Trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, với sự hỗ trợ cho chính quyền miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ đã thực hiện một chương trình xây dựng quan trọng để cải thiện cơ sở hạ tầng khắp miền Nam. Hạ tầng này bao gồm các cảng biển, những sân bay lớn có khả năng cho máy bay phản lực cất hạ cánh, cùng nhiều sân bay nhỏ khác, trung tâm hậu cần, căn cứ quân sự và hàng nghìn km đường và nhiều cầu cống. Là một trong những kiến trúc sư người Mỹ trong lĩnh vực quân sự được giao nhiệm vụ quản lý xây dựng cùng với các nhà xây dựng Việt Nam, cho đến cuối chiến tranh, tác giả có thể chứng thực rằng, các kiến trúc sư Việt Nam làm việc cho các công ty kiến trúc Mỹ đã thiết kế các tòa nhà như bệnh viện và nhà ở theo phong cách hiện đại tiện dụng, sử dụng các vật liệu xây dựng và hoạt động thực hành theo tiêu chuẩn Việt Nam. Người Mỹ không có tác động gì đến sự phát triển của kiến trúc hiện đại nhiệt đới Việt Nam.
Các sinh viên Việt Nam liên tục thử nghiệm kiến trúc hiện đại thuần túy trong các dự án trường học. Trong khi “kiến trúc theo chủ nghĩa Hiện đại không được áp đặt cho các thuộc địa - bản thân những người theo chủ nghĩa thực dân bảo thủ không quan tâm đặc biệt đến kiến trúc hiện đại” (Herbelin, 2016, 132), thì các kiến trúc sư Việt Nam và chính người dân Việt Nam đã hành động vì lợi ích riêng của họ để hiện đại hóa và điều chỉnh chủ nghĩa Hiện đại cho phù hợp với văn hóa của họ. Kiến trúc hiện đại Việt Nam không cấp tiến như kiến trúc hiện đại quốc tế thời đó, có thể vì ảnh hưởng từ bản chất niêm luật của kiến trúc truyền thống Việt Nam. Trong quá trình phát triển kiến trúc hiện đại nhiệt đới của riêng mình, các kiến trúc sư trẻ đã tập trung vào việc thể hiện bản sắc Việt Nam trong nền kiến trúc mới (Herbelin, 2016, 123).
Trong nghiên cứu về kiến trúc truyền thống Việt Nam, các kiến trúc sư và sinh viên trẻ Việt Nam có thể thấy những nguyên tắc và logic của bản sắc Việt Nam trong kiến trúc truyền thống có thể được tái phát triển trong kiến trúc hiện đại nhiệt đới Việt Nam (Herbelin, 2016,172). So sánh kiến trúc truyền thống của các nhà cộng đồng (đình) trên khắp đất nước với các công trình kiến trúc hiện đại như Thư viện Quốc gia (nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) cho thấy, kiến trúc truyền thống mang lại nhiều ý tưởng giảm thiểu tác động của khí hậu nhiệt đới (Lê, Thanh Sơn, 2018,8).
Phiên bản Việt Nam của chủ nghĩa hiện đại phong phú hơn nhiều và tránh nhìn lại quá khứ, với kiểu cách trang trí cầu kỳ dựa trên sự tận dụng nghệ thuật và kiến trúc truyền thống. Triển lãm ở Anh ghi nhận xu hướng phổ biến là đưa ra những ý tưởng mới thuần túy chống lại mong muốn áp dụng sự tiếp nối của các hình thức truyền thống vào một nền kiến trúc mới (Turner, 2024). Nhiều nước thuộc địa cũ xung quanh đường xích đạo, chẳng hạn như Philippines, đã không cưỡng lại được sự cám dỗ này (Cabalfin, 2010), trong khi các kiến trúc sư Việt Nam đã gắng gượng thoát khỏi chiếc bẫy này. Không giống như kiến trúc hiện đại được người Anh du nhập vào các thuộc địa mà bỏ qua truyền thống và bối cảnh địa phương, kiến trúc hiện đại nhiệt đới của miền Nam Việt Nam lại dựa trên kiến trúc truyền thống và được người dân sẵn sàng đón nhận.
Đây là những thích ứng mang tính cách tân với khí hậu nhiệt đới của miền Nam Việt Nam, có tác dụng tạo ra sự kết hợp nhẹ nhàng, tinh tế của các thành phần kết cấu và chi tiết chắn nắng, khiến kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam trở nên phức tạp hơn so với các phiên bản quốc tế. Do đó, các tòa nhà theo phong cách hiện đại của Việt Nam trông có vẻ mở hơn so với các tòa nhà theo phong cách hiện đại quốc tế. Trong khi có nhiều quốc gia khác trong thời kỳ hậu thuộc địa áp dụng chủ nghĩa hiện đại vào các công trình kiến trúc tầm cỡ, thì chính sự phong phú và tính phức hợp của kiến trúc nhiệt đới hiện đại đã khiến Việt Nam trở thành một trong những nền kiến trúc hiện đại giữa thế kỷ XX có chất lượng cao nhất trên thế giới.
Đến đầu những năm 1950 khi sắp giành được độc lập, người Việt Nam chuyển sang xây dựng một nền kinh tế mới. Với các ngành công nghiệp mới và nền kinh tế phi chính thức đang bùng nổ dựa trên dòng người di cư vào đô thị, miền Nam Việt Nam đã cho thấy có nguồn sức mạnh lớn lao. Sức mạnh này dẫn đến một nền văn hóa cũ ngay lập tức bỏ lại phía sau chủ nghĩa thực dân để xây dựng một nền văn hóa mới độc lập và hướng tới tương lai. Các kiến trúc sư người Việt đã chuyển thẳng sang chủ nghĩa hiện đại, vì điều ấy thể hiện quyền tự chủ và khát vọng trở thành một đất nước hiện đại trong thời đại công nghiệp. Dinh Độc Lập (nay là dinh Thống Nhất) mới ở Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) được xây dựng theo chủ nghĩa hiện đại năm 1966 đã khẳng định rõ ràng nghị lực này, cùng khát vọng của một dân tộc độc lập. Nền văn hóa cởi mở đón nhận chủ nghĩa hiện đại, song vẫn duy trì “tinh chất” Việt Nam.
Ở miền Nam, các công trình và nhà ở mới được các chủ đất xác định là cần thiết để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Do đó, kiến trúc hiện đại thời kỳ hậu thuộc địa ở miền Nam Việt Nam không được thúc đẩy bởi các mục tiêu hay sự lãnh đạo của chính phủ, mà là một phần sức mạnh tập thể của người dân và nền kinh tế, hướng tới tương lai một cách lạc quan. Không giống như những quốc gia được trưng bày giới thiệu trong triển lãm của nước Anh và không giống như nước láng giềng Campuchia, việc phát triển quy hoạch và kiến trúc ở miền Nam Việt Nam không phụ thuộc vào một nhà lãnh đạo hay sự chỉ đạo mạnh mẽ của chính phủ.
Không giống như hầu hết các nơi trên thế giới, người Việt ưa chuộng kiến trúc hiện đại nhiệt đới với một tỷ lệ áp đảo, đặc biệt là cho ngôi nhà của chính họ. Họ có thể không giải thích được tại sao họ lại cảm thấy thoải mái với kiến trúc hiện đại đến vậy, nhưng tác giả cho rằng, trong tiềm thức họ có thể cảm nhận được sự hiện diện của cảm giác không gian của kiến trúc truyền thống trong kiến trúc mới. Việc so sánh một đình làng hoặc không gian hội họp cộng đồng truyền thống với Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh (hoàn thành năm 1971) minh họa rõ nhất điều này. Các công trình kiến trúc truyền thống thường có mái được nâng lên để thông gió khi nhiệt tăng lên bên trong. Trong thư viện, điều đó được thể hiện bằng mái nổi tạo ra lớp không khí thông thoáng để cách nhiệt giữa tấm lợp mái bị nung nóng và trần của các phòng bên trong bên dưới. Cấu trúc cột và dầm đơn giản mà trang nhã được thể hiện đầy đủ như trong hệ kết cấu cột và dầm của đình, đồng thời được bổ sung bằng tường chắn nắng hoặc tấm lam chắn nắng phức hợp, sử dụng hoa văn truyền thống Việt Nam trong trường hợp này. Màu sắc được sử dụng là tông màu nâu đất, tương đồng với các vật liệu tự nhiên được sử dụng trong kiến trúc truyền thống. Giống như hiên của các công trình truyền thống, đặc biệt là những ngôi nhà truyền thống, logia ở tầng trệt của thư viện che chắn bên trong khỏi nắng nóng và mưa xối xả, đồng thời tạo bóng mát cho việc giao lưu xã hội xung quanh chân tòa nhà. Và cuối cùng, bản thiết kế tập trung vào sự trân trọng của người Việt Nam đối với các hiện tượng tự nhiên, với kiểu ánh sáng luôn thay đổi trong các phòng đọc được tạo ra bởi những tấm bình phong chắn nắng, và việc giảm nhẹ tác động của khí hậu nhiệt đới với hào nước chạy ngang mặt tiền, làm mát những cơn gió trước khi chúng lùa qua phòng đọc bên trong (Schenck, 2022, 50).
Và người Việt Nam đã tự thiết kế phần lớn nhà phố, hoặc nhà ở nông thôn vì không có đủ kiến trúc sư để thiết kế. Họ sử dụng “vốn từ vựng“ của chủ nghĩa hiện đại Việt Nam do các kiến trúc sư phát triển, từ đó người dân có thể đưa ra quyết định thiết kế đúng đắn, tạo ra kiến trúc hiện đại thực sự chất lượng. Họ còn bổ sung thêm những sắc thái cá nhân (Phạm Phú Vinh, 2021, 230-236).
Kết Kiến trúc hiện đại Việt Nam giữa thế kỷ XX được xây dựng dựa trên những giá trị văn hóa và lịch sử Việt Nam phù hợp với thời đại ngày ấy và ngày nay. Nền kiến trúc ấy cũng thích nghi tốt với khí hậu nhiệt đới và bền vững hơn nhiều so với hầu hết các tòa nhà được xây cất hiện nay. Nhưng, kiến trúc giữa thế kỷ XX ở Việt Nam đang bị hủy hoại rất nhiều với tốc độ nhanh chóng vào thời điểm này. Bản sắc Việt Nam đang dần bị mất đi khi điều này xảy ra. Người Việt Nam có lý khi tự hào về phiên bản kiến trúc Việt Nam có tính đặc trưng cao của thời đại công nghiệp và chủ nghĩa hiện đại. Các kiến trúc sư và người dân Việt Nam đã thành công trong việc phát triển một nền kiến trúc hiện đại có tính nhiệt đới phản ánh rõ bản sắc Việt Nam. Bây giờ, người Việt bắt buộc phải thành công trong việc bảo vệ di sản tuyệt vời này, để những ký ức về bản sắc sẽ còn mãi, để tạo lập nền tảng cho tương lai./.
Tài liệu tham khảo
1. Buxton, P. (2024). Exhibition: V&A shows how tropical architects localised modernism. The RIBA Journal. Retrieved 2024-08-18 from https://www.ribaj.com/culture/tropical-modernism-v-and-a-review india-west-africa-post-colonial-architects
2. Cabalfin, E. (2010). The Other’s Other: Self-Exoticism and National Identity in Postcolonial Philippine Architectures, 1946-1998. Espasyo: Journal of Philippine Architecture and Allied Arts, 1(1).
3. Heathcote, E. (2024). Tropical Modernism at the V&A — the architects who built a postcolonial future. Financial Times. Retrieved 2019-04-14 from https://www.ft.com/content/2c98e465-8041-4413-b983 62066f8a1312
4. Herbelin, C. (2016). Architectures du Vietnam colonial: Repenser le métissage (Volume 16). Comité des travaux historiques et scientifiques - CTHS-INHA.
5. LaBarge, E. (2024). Modernism, but Make It Cool. The New York Times. Retrieved 2024-08-02 from https://www.nytimes.com/2024/03/18/arts/design/tropical-modernism-victoria-and-albert museum.html?searchResultPosition=1
6. Moore, R. (2024). Tropical Modernism review – a complex story of power, freedom, craft… and cows. The Guardian. Retrieved 2024-08-03 from https://www.theguardian.com/artanddesign/2024/mar/03/tropical-modernism-architecture-and independence-v-and-a-victoria-and-albert-museum-london-review-chandigargh-le-corbusier-drew maxwell-ghana
7. Vinh, Phạm Phú (2021). Poetic Significance: Sài Gòn Mid-Century Modernist Architecture. Architecture Vietnam Books.
8. Schenck, M., & Garel, A. (Photographer). (2020). Southern Vietnamese Modernist Architecture: Mid Century Vernacular Modernism. Thế Giới Publishers.
9. Schenck, M. (2022). Kiến trúc hiện đại: Giá trị riêng của Việt Nam. Tia Sáng, 17-05.09.2022, 47-51. https://tiasang.com.vn/van-hoa/kien-truc-hien-dai-gia-tri-rieng-cua-viet-nam/
10. Son, Le Thanh (2018). Ecological architecture as a forgotten opportunity in Vietnam. MATEC Web of Conferences, 193, 04003, 13. https://doi.org/https://doi.org/10.1051/matecconf/201819304003
11. Turner, C., et al. (2024). Tropical Modernism: Architecture and Independence. Victoria & Albert Museum. https://www.vam.ac.uk/exhibitions/tropical-modernism-architecture-and independence#objects.
Ý kiến của bạn