Dấu ấn văn hóa đặc sắc trong dòng chảy tín ngưỡng Việt Nam

Dấu ấn văn hóa đặc sắc trong dòng chảy tín ngưỡng Việt Nam

(Vietnamarchi) - Trong hệ thống thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt, những công trình như đình, chùa, đền, miếu đã được nghiên cứu sâu rộng và trở thành biểu tượng quen thuộc trong tâm thức cộng đồng. Tuy nhiên, các quán Đạo giáo, nơi thờ phụng các vị thần của Đạo giáo lại là mảng màu còn thiếu trong bức tranh toàn cảnh ấy. Cuốn sách “Quán Đạo giáo với một số vấn đề lịch sử và tôn giáo ở Việt Nam” của TS. Nguyễn Thế Hùng, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành năm 2025, là một công trình chuyên khảo có giá trị, góp phần lấp đầy khoảng trống học thuật và nhận thức xã hội về loại hình di tích tôn giáo đặc biệt này.
20:53, 01/07/2025

Với bề dày nghiên cứu, trải nghiệm thực địa qua nhiều năm, TS. Nguyễn Thế Hùng đã lựa chọn vùng đất phía tây Hà Nội (xưa thuộc xứ Đoài) làm điểm nhấn để tiếp cận hệ thống các quán Đạo giáo như quán Hội Linh, quán Hưng Thánh, quán Linh Tiên, quán Lâm Dương… Từ góc nhìn lịch sử tôn giáo, ông nhận định: “Sự tồn tại của những ngôi quán Đạo giáo ở nhiều nơi chứng tỏ thiết chế tôn giáo này đã giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt” (Trích đoạn trang 256). Đây không chỉ là nơi thờ phụng các vị thần như Tam Thanh, Ngọc Hoàng, Huyền Thiên Trấn Vũ, mà còn là nơi thể hiện sự kết tinh, hòa quyện giữa Đạo giáo với tín ngưỡng dân gian Việt Nam và các tôn giáo lớn khác như Nho giáo, Phật giáo. Theo tác giả, chính nhờ sự hòa trộn ấy mà Đạo giáo không tồn tại như một tôn giáo ngoại lai thuần túy, mà đã sớm được bản địa hóa, hội nhập và lan tỏa mạnh mẽ vào đời sống tinh thần người Việt.

Cuốn sách nổi bật vai trò của Đạo giáo và hệ thống quán Đạo giáo ở nước ta. Ảnh: Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Một trong những phát hiện đáng chú ý của cuốn sách là sự biến đổi trong kiến trúc quán Đạo giáo theo thời gian. Nếu như thế kỷ XVI, mặt bằng quán thường theo hình chữ Tam thì đến thế kỷ XVII, mô hình kiến trúc chuyển sang chữ Công biểu trưng cho sự vững chắc, cân đối và hướng nội. Bên cạnh đó, hệ thống Hậu đường và Gác chuông có đặc điểm nổi bật của quán Đạo giáo thời kỳ này cũng được tác giả xem là “cầu nối chuyển tiếp” sang lối kiến trúc Tiền Phật - Hậu Thánh phổ biến ở nhiều di tích sau này. Không dừng lại ở kiến trúc, TS. Nguyễn Thế Hùng còn tiến hành phân loại hệ thống tượng pháp thờ trong quán Đạo thành bốn nhóm: các tượng phổ quát trong điện thờ Đạo giáo; các tượng có mặt ở một số quán; các tượng chỉ có trong một vài quán cá biệt; và nhóm tượng mang tính hỗn dung Đạo - Phật. Phân tích ấy không chỉ cho thấy sự đa dạng về tín ngưỡng, mà còn phản ánh rõ nét đặc tính khoan dung và linh hoạt trong tâm thức tôn giáo của người Việt.

Đáng chú ý, cuốn sách không chỉ dừng ở khảo tả, liệt kê di tích mà còn đưa ra những phân tích sâu sắc về vai trò lịch sử - văn hóa của Đạo giáo trong các giai đoạn biến động. Tác giả cho rằng, vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, khi xã hội Việt Nam rơi vào khủng hoảng tư tưởng, Nho giáo mất dần tính chính danh, Đạo giáo với triết lý siêu thoát, an nhiên trở thành nơi nương náu tinh thần của giới trí thức và quan lại. TS. Nguyễn Thế Hùng viết: “Dường như họ đã tìm được trong thế giới ấy sự an yên, siêu thoát giữa những vòng chuyển xoay vô định của xã hội” (Trích đoạn trang 7). Nhà Mạc, theo tác giả, đã chọn cách tôn sùng Đạo giáo thần tiên như một phương thức bổ sung triết lý để củng cố quyền lực. Trong khi đó, ở phía Bắc, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan là học trò Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, lại góp phần hình thành một xu hướng khác, bản địa hơn: tín ngưỡng thờ Mẫu và nội đạo Việt. Tác giả đặt câu hỏi gợi mở: “Đây là một xu hướng khác của Đạo giáo hay là quá trình bản địa hóa của Đạo giáo ở Việt Nam ở thế kỷ XVI? Đây có phải là cuộc chiến trên mặt trận tư tưởng giữa nhà Mạc và nhà Lê Trung hưng?” (Trích đoạn trang 255). Những giả thuyết như vậy, giàu tính học thuật và sức gợi mở, là đóng góp đáng kể của cuốn sách đối với giới nghiên cứu lịch sử tư tưởng và tôn giáo Việt Nam.

Cuối cùng, cuốn sách cũng nhấn mạnh rằng việc khảo cứu và nhận diện đúng giá trị của các quán Đạo giáo không chỉ mang ý nghĩa học thuật, mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đây là lời nhắc nhở cần thiết đối với các nhà quản lý văn hóa - di tích, cũng như cộng đồng trong việc nhìn nhận lại vai trò và vị trí của một loại hình di sản đang bị lãng quên. Với nội dung chuyên sâu, nguồn tư liệu phong phú và cách viết mạch lạc, cuốn sách “Quán Đạo giáo với một số vấn đề lịch sử và tôn giáo ở Việt Nam” thực sự là một công trình có giá trị, xứng đáng là tài liệu tham khảo tin cậy cho giới nghiên cứu, giảng dạy và quản lý văn hóa.

 

Pháp lý xây dựng

Chùa trên các đỉnh núi thiêng tổ chức lễ cử chuông ngày 1/7

Ngày 1/7, cả nước bắt đầu vận hành mô hình chính quyền hai cấp sau sáp nhập các tỉnh thành. Rất nhiều ngôi chùa trên các đỉnh núi thiêng được Phật tử và du khách hướng đến với lễ cử chuông trong thời khắc lịch sử.

VINUNI VINH DANH THẾ HỆ TRƯỞNG THÀNH TỪ ĐẠI DỊCH

Hà Nội, ngày 28/6/2025 – Trường Đại học VinUniversity (VinUni) đã tổ chức Lễ tốt nghiệp khóa 2 (2021–2025) cho gần 150 sinh viên. Với thành tích xuất sắc: chưa tốt nghiệp nhưng 55% sinh viên năm cuối đã được tuyển vào các tập đoàn đa quốc gia; 26% đã trúng tuyển Thạc sĩ/Tiến sĩ tại những đại học danh tiếng toàn cầu. Các tân khoa VinUni khóa 2 là thế hệ đặc biệt - trưởng thành và tỏa sáng từ đại dịch Covid-19.

Sinh viên trường quốc tế làm loạt game thần tốc chỉ trong 48 giờ

Các sản phẩm game do sinh viên Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) phát triển trong chuỗi sự kiện thường niên Game Jam và Games Nexus đã thu hút sự chú ý đặc biệt với chất lượng hoàn thiện vượt mong đợi.

“Liên Hoa Tịnh Cảnh” - Sự cộng hưởng giữa nghệ thuật, tâm linh và công nghệ

Ngày 23/6/2025, tại không gian nghệ thuật Lotus Art Gallery Van Phuc (Lô A11, tòa nhà Thiên Sơn Plaza, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội), công chúng yêu nghệ thuật và Phật giáo có dịp chiêm ngưỡng một kiệt tác hội họa đặc biệt: bức tranh “Liên Hoa Tịnh Cảnh” của cư sĩ, họa sĩ Kim Đức. Không phải là một cuộc trưng bày thông thường, sự kiện chỉ diễn ra duy nhất trong một ngày nhưng để lại dư âm dài lâu bởi tính biểu tượng, ý nghĩa tâm linh và thông điệp nhân văn sâu sắc mà tác phẩm mang lại.

Dự án sách "Con đường tương lai": Câu chuyện phát triển Việt Nam từ trái tim đến hành động

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), ngày 19/6 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp cùng Viện Nhân học Văn hóa, Viện Khoa học Giáo dục và Môi trường, Sàn Văn hóa Học và Đọc Việt Nam, Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá Tập 1 và định hướng tập tiếp theo của dự án sách Con đường tương lai”.

Ý kiến của bạn

SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
CLB XANH