Những kiến trúc “nở hoa” từ đất
ĐI TÌM NHỮNG Ý TƯỞNG KIẾN TRÚC TRONG VĂN HOÁ “LÀNG VIỆT”
Việt Nam là đất nước đã trải qua chiến tranh liên miên trong suốt thế kỷ 19 và 20. Đặc biệt là 2 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tuy nhiên, nơi đây vẫn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt theo từng vùng miền.
Mặt trái của toàn cầu hóa khiến sự phân hóa giàu nghèo, sự phát triển giữa nông thôn và thành thị khoảng cách ngày càng rõ rệt hơn. Đầu tư công cho xây dựng đô thị và nông thôn chủ yếu tập trung vào những dự án lớn, chi phí thấp chứ ko quan tâm đến yếu tố văn hóa và bản sắc.
Việt Nam là đất nước mang đậm bản sắc văn hóa “Làng” với những hình ảnh giản dị gắn liền rặng tre, ruộng lúa. Tuy nhiên, để thiết kế bộc lộ tinh thần nơi chốn, kiến trúc sư cần nhìn sâu hơn, với những lát cắt nhỏ hơn, sẽ thấy Việt Nam có ưu thế to lớn là sự đa dạng văn hóa, gắn với đặc trưng từng vùng, miền.
Việc tìm hiểu, nghiên cứu địa hình, khí hậu đến phong tục, tập quán…rồi khái quát thành ý tưởng kiến trúc… đòi hỏi quá trình làm việc nghiêm túc, trăn trở, thử và sai. Cũng đôi khi, ý tưởng đến rất nhanh, như một tình cờ; nhưng tựu trung phải dựa trên vốn sống, vốn tri thức văn hóa được liên tục bồi đắp, đổi mới.
Có thể nói, “Làng Đất”, “Làng Mít”, “Làng Nấm”, “Làng Treo”, “Làng Công nhân” là những mô hình ở thử nghiệm đã đi vào cuộc sống, đem lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phục vụ nhu cầu thiết thực của đồng bào thiểu số, người dân nông thôn, công nhân …
Thông qua những mô hình thử nghiệm, bước đầu đã thay đổi nhận thức và thể hiện trách nhiệm xã hội, mang đậm bản sắc, lối sống, phong tục tập quán, gắn kết và thân thiện với người dân địa phương.
Tạp chí Kiến trúc Việt Nam trân trọng giới thiệu tới quý bạn đọc Mô hình “5 làng” đặc biệt này!
“Làng Đất”, Quản Bạ, Hà Giang
“Làng Đất” được xây dựng tại Nậm Đăm - một làng dân tộc thiểu số tại huyện Quản Bạ, Hà Giang, phía bắc Việt Nam. Làng Nậm Đăm vốn có bản sắc văn hóa đặc trưng, người dân thường sử dụng vật liệu tại chỗ xây nhà tường trình đất để ứng phó với tự nhiên khắc nghiệt. Tuy vậy, cuộc sống người dân nơi đây bị cô lập, thiếu kết nối với các cộng đồng khác, trẻ em không được đi học, nhà ở liền với chuồng gia súc làm cho môi trường sống ô nhiễm, dịch bệnh lây lan.
Trước tình hình đó, cộng đồng làng đã “tự cứu lấy mình” bằng cách di dời xuống núi, xây dựng ngôi làng mới với 50 nhà kết cấu trình đất kết hợp vì kèo gỗ. Tổ chức NGO Caritas Thụy Sỹ và KTS tư vấn cho người dân phát triển homestay, phục vụ thiết thực đời sống, thúc đẩy du lịch trong thời gian từ năm 2009 đến 2015.
Và mô hình: “Làng Đất” đã ra đời với sự góp sức chung tay của Kiến trúc sư và tổ chức tài trợ trong gần 10 năm.
Những ngôi nhà được nâng cao tầng áp mái, từ kho cải tạo thành phòng ngủ cho khách lưu trú bằng giải pháp khớp nối kết cấu gỗ và tường đất, mở rộng và cải tạo không gian sinh hoạt của gia đình. Các module mới xây tiếp nối ăn khớp, hài hòa với khu nhà cũ: cứ 4, 5 nhà có một ao chung nuôi cá. Lượng đất đào lên được sử dụng làm vật liệu trình tường; biogas chung cho hệ chuồng của các gia đình.
Đáng kể nhất là Nhà cộng đồng Nậm Đăm đóng vai trò hạt nhân trong làng, là trung tâm thông tin và sinh hoạt cộng đồng. Sử dụng ngôn ngữ cách tân, tường đất dày 80cm kết hợp với các chất liệu hiện đại. Tầng 1 là không gian sinh hoạt giao lưu cộng đồng, tầng 2 có 3 phòng ngủ tiện nghi phục vụ các khách lưu trú. Không gian linh hoạt kết nối trước - sau, trên - dưới bằng các khoảng hiên, thông tầng, tấm lợp lấy sáng. Hệ mái vát, gấp khúc cách tân tượng trưng cánh én hay nhịp điệu của núi đồi (Chim én thường làm tổ dưới mái nhà, họ quan niệm chim én sẽ đem lại may mắn), mái vát cũng giúp nhiều ánh sáng hơn và mở rộng góc nhìn ra cánh đồng bao la.
“Làng Mít”, Sơn Tây, Hà Nội
Ngôi “làng” được xây dựng tại thôn Trại Láng, xã Cổ Đông, Cổ Lạc, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, diện tích 1.7 ha với hồ nước bao bọc, địa hình phần trung tâm cao ráo chính giữa và thấp dần về phía hồ, đặc biệt có 38 cây mít, 13 cây bưởi - những cây điển hình của nông thôn Bắc bộ Việt Nam.
“Làng Mít” có cấu trúc: Từ trung tâm nhà thiền - không gian sinh hoạt cộng đồng tỏa ra các đơn vị ở nương quyện vào gốc mít, gốc bưởi, tận dụng bóng mát cho các sân chơi xen kẽ. Sàn nhà kênh lên mặt đất chống nồm, chống mối và đảm bảo thoát nước mặt tự nhiên, không che khuất tầm nhìn ra hồ. Mỗi công trình là một trải nghiệm riêng thú vị, cộng sinh tối đa với thảm thực vật và địa hình.
Cụm công trình “Làng Mít” là nhà ở kết hợp homestay, tôn trọng tối đa thảm thực vật, triền đất dốc, mặt nước, sinh vật bản địa. Nơi đây cũng áp dụng mô hình ở nông nghiệp với vườn rau hữu cơ, đặc sản và các loại cây ăn quả, nuôi cá lồng, cung cấp thực phẩm sạch hằng ngày. Toàn bộ vật liệu bao che công trình sử dụng vật liệu địa phương: gạch đất không nung, mái lá cọ xòe rộng, tạo nhiều bóng đổ bản thân và giảm tối đa bức xạ nhiệt. Hệ thống xử lý nước thải, kỹ thuật đặt cuối hướng gió. Các villa đều có bể phốt sinh thái 5 khoang.
“Làng Nấm”, Y Tý, Lào Cai
Công trình nằm tại Choản Then, một bản cổ được hình thành cách đây 300 năm, có diện tích hơn 230 ha, cách trung tâm xã Y Tý 2km, là nơi sinh sống của 56 hộ đồng bào dân tộc Hà Nhì.
Nơi đây đã được KTS thiết kế các Mô hình nhà ở mới kết hợp với homestay để cải thiện thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng ở đầu làng tạo điểm nhấn liên tưởng đến bối cảnh vừa quen vừa lạ thu hút du khách. Đây sẽ là nơi dành riêng cho giáo dục, văn hóa du lịch, thư viện, trung tâm đa chức năng, đào tạo nghề và trưng bày sản phẩm địa phương.
Nhà cổ được cải tạo theo mô hình kết hợp vườn rau, sân trong và bể chứa nước để ôm lấy các tính năng truyền thống. Thiết kế được cải tiến từ cổ đại kiến trúc sử dụng các chi tiết bản địa: mái dốc 4 mặt, cửa gỗ, tổ chim, lu nước, hàng rào tre, giàn dây leo cổng…, đồng thời nâng gác xép làm kho và phòng ngủ, mở cửa sổ trên tường và mái nhà để lấy ánh sáng mặt trời. Áp dụng công nghệ mới, tường đất có phụ gia chống đứt gãy, tăng khả năng chống chịu thời tiết. Ngoài ra, kiến trúc sư cùng với người dân địa phương tham gia xây dựng, kết hợp gạch đất nung tại chỗ thân thiện để giảm chi phí và thời gian xây dựng.
“Làng Treo” tại Đống Đa, Hà Nội
Nằm trên đường Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội, công trình nhà ở trong phố hàm chứa khái niệm về làng theo phương thẳng đứng, là cuộc đối thoại giữa không gian ở với không gian mặt nước, cây xanh, mang âm hưởng truyền thống phương Đông theo ngôn ngữ hiện đại.
Hệ kết cấu dạng pixel là sự gạn lọc tinh giản từ các chi tiết vì, kèo của đình, chùa dân gian, chạy từ sàn lan dần theo cột rồi tỏa theo phương ngang lên các diện trần, gợi hình ảnh bóng dáng cây đa đầu làng Bắc bộ. Các lớp hiên, sân vườn trên cao tương tác với mặt nước, tạo nên môi trường tự nhiên hài hòa giữa đô thị, là nơi cư trú lý tưởng của chim muông, sinh vật. Vách kính ngăn chia linh hoạt, lấy ánh sáng, thông gió tự nhiên hiệu quả, tiết kiệm năng lượng.
Công trình như như một ốc đảo, tạo ra khoảng lặng xanh mát giữa ngã 6 đô thị. Hướng nhà Đông Nam, hệ thống thang thoát hiểm đặt phía Tây, sử dụng kính, gạch không nung cách nhiệt tốt, chắn nắng hiệu quả.
Cấu trúc các tầng được thiết kế khác nhau, uốn lượn quanh co, gợi hình ảnh đường làng ngõ xóm, vừa mới lạ vừa cổ xưa thân thuộc. Hệ vườn thực vật với các cây ăn quả, cây xanh tạo bóng mát lớn, vừa là màng chắn lọc bụi, tiếng ồn vừa là nơi cư trú cho chim muông, sinh vật. Trên các tầng được trang bị hệ thống thu nước mưa, tưới nước tự động. Thiết kế đảm bảo tính riêng tư cho chủ nhà nhưng vẫn có khoảng không gian sinh hoạt chung, tăng khả năng đối thoại cư dân.
“Làng công nhân”, Lào Cai
Dự án Nhà ở công nhân Lào Cai được xây dựng cho những người lao động xa quê, có tập quán sinh hoạt tương hỗ lẫn nhau, gần gũi xóm giềng. Thiết kế tạo ra một môi trường sống thân thiện với các dãy nhà ở quây quanh không gian sinh hoạt chung, nằm xen giữa rừng cây, gần gũi thiên nhiên.
Tổ hợp gồm 4 khối nhà, nằm trên các cốt địa hình chênh khoảng 2.5m, có hành lang thông nhau. Các toà nhà chạy vòng cung dựa theo đường đồng mức tự nhiên, tạo lõi xanh thoáng ở giữa. Khoảng trống giữa các khối & giữa các vị trí thang tạo ra các phễu hút gió, đối lưu thổi qua sân trong.
Kiến trúc nhà mỏng, quay hướng Bắc - Nam, tránh nắng nóng và đảm bảo tất cả các phòng có ánh sáng, thông gió tự nhiên. Mặt đứng được thiết kế với hệ xương bê tông hình cây kết hợp bồn trồng hoa, cây leo có tác dụng che nắng xiên, tạo hiệu ứng bóng đổ đặc biệt khi di chuyển dọc hành lang.
Thiết kế tận dụng địa hình, độ dốc tự nhiên, giảm tối đa khối lượng san lấp, tạo thành các ruộng bậc thang - nét đặc trưng của vùng núi phía Bắc. Ngoài khoảng sân giữa các khối nhà, diện tích mái cũng được tận dụng trồng rau, nông sản địa phương. Công nhân tự tay chăm sóc, thu hoạch và trao đổi các sản phẩm nông nghiệp, giảm nỗi lo thực phẩm bẩn độc hại cũng như một cách thư giãn sau giờ làm việc. Nước thải sinh hoạt sau xử lý, nước mưa, nước mặt đưa vào các bể chứa ở các cao độ khác nhau, dùng tưới cây tự động. Nhà, vườn, sân sinh hoạt chung, sân bóng đá, bóng chuyền, bể bơi tạo nên sự kết nối cư dân sinh sống như một không gian làng xóm thân thiện, bền vững.
THAY CHO LỜI KẾT
Với suy nghĩ mỗi vùng đất có một quá khứ, một lịch sử, vì thế kiến trúc phải cất tiếng nói riêng, tự trọng và duy nhất, mang lại hy vọng bền vững cho cộng đồng; kiến trúc phải xuất phát từ nhu cầu, đặc điểm riêng biệt, là “hoa” của vùng đất đó… Nếu nhân bản, hay copy sang địa điểm khác, cái tinh thần, hương sắc “nơi chốn” tất yếu mất đi.
Từ ý thức tự cường, nghiên cứu bài bản, sáng tạo, đổi mới từ mô hình “5 làng” mong muốn rút kinh nghiệm, xây dựng môi trường đặc trưng cho từng cộng đồng khác nhau, nhằm mang lại hạnh phúc cho cư dân sinh sống ở đó, bảo vệ sự đa dạng về văn hóa trong kiến trúc nói chung, đặc biệt trong bản sắc kiến trúc nhà ở, đó cũng giá trị lớn nhất của lao động và hành nghề kiến trúc.
Mô hình “5 làng” nhỏ được thử nghiệm, hiện diện thực tế trong tổng thể lớn, chúng là các ổ sinh thái, có khả năng tự điều chỉnh và cân bằng, là những chủ đích sâu xa gửi gắm, cấy vào, định dạng để tạo nên những“hạt nhân” sáng, thúc đẩy hành trình tiếp nối truyền thống và tạo dựng bản sắc trong kiến trúc của kiến trúc sư Việt.
Ý kiến của bạn