Video

Giao thoa văn hóa Việt Nam - Nhật Bản qua dòng tranh Phù Thế

Ukiyo-e hay Phù Thế Hội là một trường phái hội họa phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ 17 tới thế kỷ 19 tại Nhật Bản, và tạo ra sức ảnh hưởng tới hội hoạ phương Tây trong một thời gian dài. Dòng tranh này bao gồm các bản vẽ và "bản in trên mộc bản" để tạo ra những tác phẩm vô cùng đặc sắc, và trở thành thương hiệu của nền hội hoạ Nhật Bản cho tới thời điểm hiện tại. Sẽ thế nào nếu chúng ta kết hợp giữa những yếu tố xưa với yếu tố nay, giữa văn hoá Việt Nam với văn hoá Nhật Bản, bằng cách thể hiện của dòng tranh phù thế? Câu trả lời sẽ có trong cuộc đối thoại của hội họa “từ truyền thống đến truyền thống”.

Lấy nhân vật chủ thể lễ rước của đàn chuột, thế nhưng bức tranh này lại có cách thể hiện hoàn toàn khác với tranh đám cưới chuột của dòng tranh Đông Hồ Việt Nam. Sự thể hiện này được lấy cảm hứng từ bức tranh “Đám cưới cáo” một bức tranh nổi tiếng của dòng tranh phù thế của Nhật Bản với có tuổi đời hơn 400 năm.

Dòng tranh Phù thế Nhật Bản có rất đa dạng chủ đề, bao quát nhiều khía cạnh trong đời sống của con người đương thời. Nhưng tựu chung là sự đậm sắc với những nét vẽ, nét khắc vô cùng mềm mại, uyển chuyển, tạo nên yếu tố “thực” trong mỗi tác phẩm. Văn hoá, xã hội Việt Nam qua góc nhìn tranh phù thế cũng hiện hữu “thực” như vậy.

Không chỉ là sợi dây kết nối giữa hai nền văn hóa Việt Nam – Nhật Bản, giữa quá khứ và hiện tại, những tác phẩm này còn là cơ hội để các họa sĩ trẻ thoả sức sáng tạo trên các chất liệu truyền thống. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để những hoạ sĩ trẻ vượt qua giới hạn của bản thân, tìm những hướng đi mới trong guồng xoay không ngừng của cuộc sống hiện tại.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

 

Anh Thư - Diệu Ngân - Ninh Tùng

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM