Duyệt kết quả thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát
Theo đại diện Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội (đơn vị tổ chức), cuộc thi được tổ chức nhằm lựa chọn phương án thiết kế tối ưu, đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, xây dựng, công năng sử dụng và hiệu quả kinh tế, ngôn ngữ kiến trúc hiện đại; góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông thành phố, đảm bảo tính đồng bộ, thông suốt trong việc đầu tư toàn tuyến đường Vành đai 3,5; góp phần kết nối liên thông Đại lộ Thăng Long và quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh cùng các địa phương khu vực phía Bắc sông Hồng.
Sau 01 tháng thông tin rộng rãi, giai đoạn sơ tuyển đơn vị tổ chức cuộc thi đã nhận được đăng ký từ 4 đơn vị tư vấn thiết kế trong nước. Kết thúc thời gian nộp hồ sơ giai đoạn thi tuyển 4 đơn vị dự thi nộp hồ sơ với 7 phương án dự thi.
Ngày 15/11/2023, Hội đồng Thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát đã họp và tiến hành chấm chọn các phương án dự thi và có báo cáo số 01/BC-HĐTT báo cáo đánh giá, xếp hạng thi tuyển phương án kiến trúc Cầu Thượng Cát.
Trên cơ sở báo cáo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc tại văn bản số 6121/QHKT-NSH ngày 5/12/2023 về kết quả thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát, ngày 10/1/2024 UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 190/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu.
Theo đó, phương án đạt giải Nhất cuộc thi có mã số TC-03 của Liên danh Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải – CTCP và Công ty CP Kiến trúc Lập Phương (gọi tắt là Liên danh TEDI - CUBIC).
Với phương án này gồm cầu chính 4 nhịp sử dụng kết cấu dây văng, sơ đồ nhịp cầu chính là: 100+2×200+100, L = 600m; trụ cầu thiết kế vuốt cong nhẹ sang hai bên thành cầu theo ý tưởng kiến trúc “Cánh chim hoà bình” vươn cao; mặt cắt ngang cầu chính rộng 37,4m, số làn giao thông gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp
Phương án đạt giải Nhì có mã số TC-05 của Liên danh Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng và Công ty TNHH Chodai & Kiso-Jiban Việt Nam và Văn phòng tư vấn và chuyển giao công nghệ xây dựng (CCU+CKJVN+CTC).
Gồm cầu chính gồm 7 nhịp sử dụng kết cấu giàn thép liên tục, sơ đồ nhịp cầu chính là: 150+135+5×120, L = 885m; trụ cầu bằng BTCT tạo hình kiến trúc với ý tưởng kiến trúc “Cất cánh”, tại vị trí cao nhất (nhịp 150m) thì chiều cao giàn là 45m; mặt cắt ngang cầu chính rộng 41,41m, số làn giao thông gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp.
Phương án đạt giải Ba có mã số TC-02 của Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm.
Gồm cầu chính sử dụng kết cấu vòm thép với 6 nhịp, sơ đồ nhịp cầu chính: 64,5+230+2×50+230+64,5, L= 689m; kết cấu vòm sử dụng vòm thép với 2 mặt phẳng vòm liên kết với nhau thông qua các giằng giá ngang tạo hình tượng kiến trúc “Trái tim Hoà Bình”; mặt cắt ngang cầu chính rộng 33m, số làn giao thông gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp.
Thượng Cát là một trong 10 cầu bắc qua sông Hồng nằm trong Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội, thực hiện trong giai đoạn 2015-2030. Đây là dự án giao thông huyết mạch nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh, có tổng mức đầu tư dự kiến gần 8.300 tỷ đồng. Cầu được thiết kế 8 làn xe, chiều dài 820 m, chiều rộng 33 m. Việc đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát được kỳ vọng giúp giảm tải lưu lượng phương tiện cho tuyến đường 70, đường Vành đai 3 và hình thành các tuyến đường hạ tầng khung quan trọng trên địa bàn Thủ đô, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Ý kiến của bạn