Doanh nghiệp Việt Nam tiên phong vượt mọi thách thức tại dự án điện gió ngoài khơi quốc tế

Doanh nghiệp Việt Nam tiên phong vượt mọi thách thức tại dự án điện gió ngoài khơi quốc tế

(Vietnamarchi) - Với nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất hiện đại, cùng truyền thống khát khao chinh phục những thử thách mới, Liên danh công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) đã và đang khẳng định vị thế, tầm vóc khi nỗ lực triển khai dự án điện gió ngoài khơi Hải Long. Với tinh thần “Trọn giải pháp - Vẹn niềm tin”, PTSC góp phần chung tay cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo đúng cam kết của Chính phủ và đón đầu cho các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.
09:45, 15/05/2024

PTSC M&C- Đơn vị Việt chủ lực trong dự án điện gió ngoài khơi tại eo biển Đài Loan

Sau thỏa thuận nhà cung cấp ưu tiên ký hồi tháng 9/2021, PTSC M&C và Semco Maritime AS (Đan Mạch) đã được Chủ đầu tư, Công ty Hai Long Offshore Wind Power trao hợp đồng tổng thầu EPC xây dựng 2 trạm biến áp ngoài khơi Dự án Điện gió Hải Long 2 và Hải Long 3 với tổng giá trị sấp xỉ 200 triệu USD.

Dự án điện gió ngoài khơi Hải Long nằm ở eo biển Đài Loan, bao gồm hai trang trại điện gió Hải Long số 2 và số 3, được đồng phát triển bởi Liên doanh Northland Power Inc., Mitsui & Co., Ltd., và Gentari International Renewables Pte. Ltd. với tổng công suất lắp đặt là 1.022 MW.

Theo CEO Tim Kittelhake - Lãnh đạo cấp cao của dự án, Hải Long là một trong những dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất từng được xây dựng tại Châu Á và lớn nhất tại Đài Loan tính đến thời điểm hiện tại. Với quy mô 1.022 MW, Hải Long còn đóng vai trò nền tảng trong chính sách năng lượng của Đài Loan, nhằm đảm bảo nguồn cung điện, giảm phát thải cacbon, và đóng góp cho nền kinh tế Đài Loan.

Đại diện lãnh đạo Chủ đầu tư Dự án Hải Long phát biểu tại Lễ khởi công xây dựng Công trình hai trạm biến áp ngoài khơi thuộc Dự án điện gió ngoài khơi Hải Long tại công trường PTSC M&C, Vũng Tàu (Ảnh: hailongoffshorewind)

Được biết, PTSC M&C là đơn vị chủ lực của Tổng Công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) và đã rất nhiều lần thắng thầu các dự án quốc tế ở vai trò tổng thầu EPC; EPCI/C; ePC/epC. Sự kiện PTSC M&C thắng thầu dự án thiết kế, mua sắm và chế tạo 2 trạm biến áp ngoài khơi (offshore substation - OSS) cho dự án điện gió ngoài khơi Hải Long 2 và 3 tại Đài Loan đã gây một tiếng vang lớn trong thị trường năng lượng tái tạo. Đây cũng là dự án điện gió ngoài khơi được thực hiện tại Việt Nam bởi một công ty Việt Nam.

Dựa trên kinh nghiệm triển khai thành công gần 80 dự án dầu khí, công nghiệp và năng lượng trong và ngoài nước, PTSC M&C đã xây dựng được một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có thể tham gia vào tất cả các khâu của các dự án lớn EPC/EPCIC, cùng cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại với tổng công suất chế tạo khoảng 70 nghìn tấn một năm.

Bên cạnh đó, theo định hướng về chiến lược và sự chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo Tổng Công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam PTSC, kết hợp với truyền thống khát khao chinh phục những thử thách mới cùng với một niềm tin vững chắc đối với sự phát triển của ngành năng lương tái tạo tại Việt Nam trong tương lai khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của điện gió ngoài khơi trong quy hoạch phát triển các điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đến nay, bên cạnh Dự án Hải Long, PTSC đã và đang tham gia đấu thầu nhiều dự án điện gió ngoài khơi khác trên thị trường quốc tế và đã thắng thầu thêm nhiều dự án ở khu vực Đài Loan, Châu Âu, qua đó khẳng định PTSC đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành năng lượng điện gió ngoài khơi theo đúng tinh thần “Trọn giải pháp - Vẹn niềm tin”. PTSC đã và đang từng bước khẳng định sẽ đóng vai trò quan trọng chung tay cùng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo đúng cam kết của Chính phủ.

Chặng đường gian nan

Chủ đầu tư Dự án Hải Long đã triển khai đấu thầu cạnh tranh quốc tế gói thầu thiết kế, mua sắm, chế tạo (chìa khóa trao tay EPC) hai trạm biến áp ngoài khơi vào tháng 9/2020 khi mà dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp. Đây là lúc Liên danh 2 nhà thầu PTSC M&C và SEMCO Maritime được thành lập qua nhiều giai đoạn đàm phán trước đó để cùng tham gia đấu thầu Dự án Hải Long và các dự án điện gió ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Mặc dù đã khẳng định được thương hiệu trong ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi nhưng các yêu cầu kỹ thuật rất cao của dự án Hải Long cùng cấu trúc hợp đồng phức tạp, giao diện rất rộng với nhiều bên khác nhau trong chuỗi cung ứng của dự án nằm ở các khu vực địa lý khác nhau trên thế giới đã tạo nên rất nhiều thách thức cho Đội ngũ dự án.

Trước bối cảnh diễn biến lan rộng của dịch bệnh COVID-19, nhiều biện pháp hạn chế hoặc cấm đi lại đã được áp đặt tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Điều này đã gây thêm vô số khó khăn trong quá trình đấu thầu và đàm phán hợp đồng khi toàn bộ các cuộc họp làm rõ kỹ thuật, đàm phán hợp đồng đều được tổ chức trực tuyến cả ngày lẫn đêm do lệch múi giờ giữa Việt Nam, Châu Âu và Đài Loan.

Thích ứng trong bối cảnh đó, đã có giai đoạn đội ngũ dự án được Công ty PTSC M&C bố trí sinh hoạt 3 tại chỗ ở văn phòng công trường của Công ty để đảm bảo an toàn cho cán bộ công nhân viên và không làm gián đoạn công tác đấu thầu.

Trải qua muôn vàn thách thức sau ba vòng đấu thầu, Liên danh PTSC M&C và SEMCO đã vượt qua rất nhiều nhà thầu lớn khác trên thế giới để được chính thức lựa chọn là nhà cung cấp ưu tiên “Preferred Supplier” cho gói thầu vào tháng 9/2021, đây là bước quan trọng để triển khai công việc thiết kế, mua sắm thiết bị chính và tiến tới ký kết hợp đồng tổng thầu EPC.

Nỗ lực vượt thách thức

Bên cạnh những khó khăn kể trên, do khu vực eo biển Đài Loan thường xuyên hứng chịu những trận bão nhiệt đới rất mạnh có thể gây ra sóng thần nên công tác thiết kế của dự án đối mặt không ít những thách thức, đòi hỏi người kỹ sư thiết kế phải có năng lực, kinh nghiệm và kỹ năng trong thiết kế công trình biển mới có thể đưa ra các giải pháp thiết kế đủ an toàn, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của dự án cùng các tiêu chuẩn quốc tế đặt ra trong ngành như ISO, EN, DNV, API.

Đặc biệt, do khu vực eo biển Đài Loan nằm trên đường đứt gãy của 02 mảng địa chất Á-Âu nên thường xuyên xảy ra các trận động đất với cường độ rất mạnh, có sức tàn phá khủng khiếp. Động đất mạnh còn gây ra các hiện tượng hóa lỏng nền đất, làm phá hủy các công trình xây dựng, do vậy, đây là một trong những thách thức rất lớn đối với các kỹ sư Việt Nam vốn chưa từng thiết kế công trình nào nằm trong vùng động đất cấp độ mạnh như Đài Loan.

Sóng cát (sand wave kết hợp với sự xói mòn của đáy biển (scour) là những thách thức khác đối với việc thiết kế và xây dựng các công trình trang trại điện gió ngoài khơi ở eo biển Đài Loan. Các điều kiện thủy động lực và trầm tích ở eo biển Đài Loan tạo điều kiện cho các sóng cát lớn hình thành và di chuyển liên tục theo thời gian.

Ở những nơi có những đặc điểm này chiều cao sóng cát có thể lên tới hơn 10m và di chuyển với tốc độ vượt quá 15m mỗi năm. Dự án Hải Long do nằm ở eo biển Đài Loan cũng không phải là một ngoại lệ, sóng cát lớn và di chuyển liên tục kết hợp với sự sói mòn của đáy biển là những thách thức rất lớn cho đội ngũ thiết kế tham gia dự án của Công ty PTSC M&C.

Một đặc trưng khác là khu vực eo biển Đài Loan nổi tiếng với đặc điểm địa chất rất yếu đối với các công trình biển cố định, các rủi ro liên quan đến địa chất yếu đã từng gây ra các sự cố trôi mất cọc “pile run”, đòi hỏi phải có biện pháp thi công đóng cọc đặc biệt để giảm thiểu rủi ro trôi mất cọc như là kết hợp sử dụng búa rung “vibratory hammer” và búa thuỷ lực “hydraulic impact hammer’ để thi công hạ cọc xuống đáy biển.

Tuy nhiên, các hạn chế về quy phạm, tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến giải pháp thi công này đã đưa đến những khó khăn rất lớn cho các kỹ sư thiết kế để giải pháp thiết kế nền móng đủ an toàn, được đăng kiểm quốc tế DNV và chủ đầu tư cùng các bên thẩm định thiết kế cấp chứng nhận và phê duyệt.

Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc thiết kế dự án,  người luôn đi tiên phong trong hành trình phát triển mảng dịch vụ và thiết kế các công trình điện gió ngoài khơi của PTSC M&C thông qua việc hoạch định chiến lược, lập kế hoạch thực hiện và thuyết phục các đối tác và chủ đầu tư tin tưởng vào năng lực của đội ngũ thiết kế của Công ty có thể đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của dư án.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc thiết kế dự án phát biểu trong một Lễ khởi động triển khai một dự án EPC điện gió ngoài khơi khác cho thị trường Đài Loan (Ảnh PTSC M&C)

Sau khi trúng thầu, ông luôn sát cánh, đồng hành cùng đội ngũ các kỹ sự thiết kế triển khai các công việc tính toán, phân tích, thiết kế nền móng và kết cấu công trình rất phức tạp cho hai trạm biến áp ngoài khơi OSS của dự án Hải Long.

Qua đó, các kỹ sư người Việt Nam tham gia dự án đã nhanh chóng thích ứng và giải quyết được các bài toán phức tạp như: Phân tích & thiết kế kết cấu phi tuyến làm việc ngoài miền đàn hồi (non-linear plastic structural design), phân tích kết cấu công trình chịu tải trong động đất trong miền thời gian và miền tần số (seismic analysis in time domain & frequency domain) kết hợp với nền đất bị hóa lỏng do động đất (earthquake-induced soil liquefaction), tính toán đến sự biến động của đáy biển (seabed mobility) theo thời gian hình thành các sóng cát (sand wave), xói mòn đáy biển (scour) tác động đến công trình, thiết kế móng cọc công trình biển thi công bằng búa rung,…Đấy là các tính toán thiết kế công trình biển rất phức tạp mà không nhiều công ty thiết kế trên thế giới có thể thực hiện được.

Chân đế trạm biến áp ngoài khơi Hải Long 2 được vận chuyển từ Vũng Tàu, Việt Nam sang lắp đặt tại eo biển Đài Loan (Ảnh: hailongoffshorewind)
Khối chân đế trạm biến áp ngoài khơi Hải Long 2 được lắp đặt thành công, lập kỷ lục là công trình nặng nhất được cẩu lắp thành công ngoài khơi Đài Loan
(Ảnh: Northland Power Inc.)
Khối thượng tầng trạm biến áp ngoài khơi Hải Long 2 được vận chuyển từ Vũng Tàu, Việt Nam sang lắp đặt tại eo biển Đài Loan (Ảnh: offshorewind)

PTSC M&C hiện là nhà Tổng thầu có năng lực hoàn thiện nhất tại Việt Nam trong việc thực hiện toàn bộ các công đoạn thiết kế, mua sắm, chế tạo, hạ thủy, vận chuyển, lắp đặt, đấu nối và chạy thử (EPCIC) cho các công trình phát triển, khai thác dầu khí thượng nguồn, hạ nguồn cũng như năng lượng tái tạo.

Tính đến thời điểm hiện tại, PTSC M&C đã thực hiện thành công gần 80 dự án ở trong và ngoài nước với đa dạng các cấu kiện (giàn xử lý trung tâm, giàn đầu giếng, khu nhà ở trên biển, module thượng tầng phương tiện nổi, công trình ngầm dưới biển).

Hải Long 2 và 3 là dự án EPC đầu tiên của PTSC M&C trong lĩnh vực dịch vụ năng lượng tái tạo. Đây được coi là tiền đề hết sức quan trọng để Công ty này tiếp tục xây dựng, phát triển năng lực tổng thầu trong các dự án điện gió ngoài khơi của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.

Pháp lý xây dựng

Sinh nhật Vincom 20 - Đại tiệc đẳng cấp đánh dấu hành trình vượt thời gian

Hàng trăm nghìn khán giả đã đổ về Thành phố lễ hội - Ocean City, bùng nổ cảm xúc với Đại nhạc hội “Đến Vincom - Chào tôi mới”. Sự kiện khép lại chuỗi hoạt động mừng sinh nhật tuổi 20 cũng là 20 năm phát triển rực rỡ của Vincom, kéo từ ngày 23/10 - 23/11/2024.

Đầu tư phát triển Gen AI “thuần Việt” tạo động lực cho nền kinh tế số

Công nghệ AI tạo sinh “thuần Việt" đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các tổ chức và doanh nghiệp, mang tới cơ hội bứt phá cho nhiều lĩnh vực.

VinFast đẩy mạnh phát triển mạng lưới xưởng dịch vụ và nâng cấp chất lượng hậu mãi

Nhằm đáp ứng nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng ngày càng gia tăng và nâng cao hơn nữa sự hài lòng của khách hàng, VinFast đang tập trung thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển mạng lưới xưởng dịch vụ, đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ năng cho đội ngũ kỹ thuật viên và thực thi các chính sách hậu mãi cực tốt cho khách hàng.

Công ty Ngân Lực thuê 200 ô tô điện VinFast, mở rộng mạng lưới trạm sạc V-Green

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Ngân Lực (NIAD) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về thúc đẩy chuyển đổi xanh với VinFast, FGF và V-Green. Theo đó, Ngân Lực dự kiến sẽ thuê 200 ô tô điện VinFast VF 8 và VF 9 từ FGF để cung cấp dịch vụ vận chuyển cho các doanh nghiệp đối tác, đồng thời phối hợp mở mới trạm sạc V-Green tại các trụ sở, văn phòng thuộc quyền quản lý của công ty.

VinFast trở thành hãng xe bán chạy nhất thị trường Việt Nam

VinFast công bố đã bàn giao hơn 9.300 xe cho khách hàng trong tháng 9, cao gần gấp rưỡi so với hãng xe xếp thứ hai và vươn lên thành vị trí số 1 Việt Nam trong tháng 9.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi