Thách thức của môi giới bất động sản
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy trong năm 2023, có gần 5.000 doanh nghiệp bất động sản đã phá sản, giải thể hoặc ngừng kinh doanh có thời hạn. Trong đó, 1.286 doanh nghiệp phá sản, giải thể, tăng 7,7% và hơn 3.700 doanh nghiệp ngừng kinh doanh, tăng 47,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cơ chế sàng lọc tự nhiên
Trong khi đó, báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, các doanh nghiệp may mắn còn tồn tại trên thị trường hầu hết đều xác định tinh thần hoặc là lỗ hoặc lợi nhuận có thể giảm tới 80 - 90% so với cùng kỳ các năm trước.
Số lượng môi giới bất động sản phải nghỉ việc hoặc làm song song nhiều việc cùng lúc để có thêm thu nhập ngày càng gia tăng. Tính đến thời điểm giữa năm 2023, có đến 30 - 40% môi giới phải nghỉ việc, cuối năm 2023 tình trạng này cơ bản đã ổn định hơn, nhưng vẫn có 15 - 25% môi giới tiếp tục phải bỏ nghề.
Đáng chú ý, từng có nguồn nhân lực dồi dào bậc nhất thị trường, song báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Services, mã: DXS, sàn HoSE) cho thấy số lượng nhân viên của DXS tại ngày 31/12/2023 chỉ còn 2.275 người, giảm gần 32% so với đầu năm là 3.340 nhân viên.
Tại Novaland (NVL), báo cáo tài chính thể hiện cuối năm 2023, tập đoàn còn tổng 1.091 nhân viên, giảm 313 so với đầu năm. Nhưng nếu so với cuối năm 2020, đã giảm gần 1.200 người.
Một doanh nghiệp khác là Vinhomes cũng đã cắt gần 250 nhân sự trong năm 2023. Đến cuối năm 2023, còn 9.440 người.
Môi giới cần đa nhiệm
Ghi nhận thực trạng trên, Tổng giám đốc một công ty bất động sản chia sẻ lực lượng môi giới "đã biến mất một cách nhanh chóng". Thời điểm trước, chỉ cần một sản phẩm mới ra thị trường đã có tới hàng nghìn môi giới tham gia. Nhưng hiện nay, đến 70% đã chuyển sang làm công việc khác. 30% còn lại là những người lành nghề, có sẵn tích lũy tiền bạc mới chống chọi được trong thời gian khốc liệt vừa qua.
Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức trong thời gian tới, bài toán tổng thể để thị trường và doanh nghiệp bất động sản tốt hơn, đặc biệt cần có sự góp mặt của lực lượng môi giới chuyên nghiệp, nhưng để tuyển dụng lại thì rất khó.
Để sẵn sàng cho sự phục hồi của thị trường, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS nhấn mạnh, người làm môi giới bất động sản muốn trụ vững trên thị trường ở bối cảnh hiện tại không chỉ cần có quyết tâm, đam mê nghề nghiệp, mà còn phải liên tục nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nếu không sẽ phải rời bỏ thị trường như một cơ chế sàng lọc tự nhiên, bởi khi đó cơ hội sẽ thuộc về những người có kỹ năng và kinh nghiệm tốt hơn.
Còn TS. Nguyễn Quốc Huy - Chủ tịch Gooroo Group đánh giá, giai đoạn khó khăn cũng là cơ hội để các cá nhân, doanh nghiệp môi giới nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Theo ông Huy, môi giới địa ốc là một nghề đòi hỏi sự chuyên nghiệp và người môi giới cần phải “đa nhiệm”, hiểu biết nhiều lĩnh vực, thay vì chỉ tập trung vào sản phẩm cụ thể của một dự án. Người môi giới ngoài kiến thức chuyên môn, còn cần cả những kiến thức bổ trợ về tài chính, pháp lý, quản trị, phong thủy, quảng cáo - truyền thông… để tiếp cận được khách hàng.
Bên cạnh đó, trải nghiệm khách hàng cũng là yếu tố cần quan tâm. Do đó, người môi giới ngoài việc bán được bao nhiêu sản phẩm thì cần đặt mục tiêu phục vụ được bao nhiêu khách hàng và bao nhiêu người quay lại trở lại mua hàng của mình.
https://diendandoanhnghiep.vn/thach-thuc-cua-moi-gioi-bat-dong-san-258849.html
Ý kiến của bạn